Tổng thống Brazil bác bỏ mọi cáo buộc của phe đối lập

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 18/4 khẳng định những cáo buộc của phe đối lập chống lại bà là hoàn toàn vô lý bởi các trước đây các tổng thống từng làm như vậy và chưa bao giờ bị đưa ra xét xử vi phạm pháp luật, trên thực thế đây chỉ là những con số báo cáo kỹ thuật.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff tại Brasilia ngày 17/4. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sau khi Hạ viện thông qua đề xuất xét xử nhằm phế truất người đứng đầu nhà nước Brazil, Tổng thống Rousseff cho rằng mình là nạn nhân của sự bất công và những gì đã diễn ra là một cuộc đảo chính. Bà tố cáo những gì đã và đang diễn ra dù có vẻ là một quy trình hợp pháp nhưng đây chỉ là vỏ bọc để phá hoại nền dân chủ, và không hề có cơ sở.

Tổng thống Rousseff bị cáo buộc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã “làm đẹp” các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

Lý giải việc này, bà Rousseff cho rằng các tổng thống và các chính phủ trước đều áp dụng hình thức thống kê nói trên và bản thân bà không hề tư lợi từ những khoản tiền này. Bà Rousseff, nhậm chức nhiệm kỳ hai kéo dài 4 năm ngày 1/1/2015, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền dân chủ.

Đầu tháng 5 tới, Thượng viện Brazil sẽ phải quyết định có tiếp tục xét xử bà Rousseff hay không. Trong trường hợp Thượng viện đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống, nếu 41 trên tổng số 81 nghị sĩ thông qua đề xuất phế truất, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày sau đó và nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer theo quy định của Hiến pháp, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động (PT) với nhiều thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận.

Ông Temer, người của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) từng tham gia liên minh cầm quyền với Tổng thống Rousseff, đã quay lưng lại với chính phủ hồi cuối tháng 3 vừa qua. Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2018.

Khủng hoảng chính trị tại Brazil hiện nay xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, nền kinh tế số một Mỹ Latinh phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, mức tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ Real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập kỷ, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Năm ngoái, Brazil, quốc gia được đánh giá là hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, đã để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào tay Ấn Độ và tụt xuống vị trí thứ 9 sau Italy trên bảng xếp hạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cùng với những khó khăn kinh tế, vụ bê bối tham nhũng khổng lồ bị phanh phui hồi tháng 3/2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) đã đẩy tình hình chính trị tại Brazil càng rơi vào bế tắc. Đường dây tham nhũng này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức. Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

TTXVN/Tin Tức
Phe ủng hộ luận tội Tổng thống Brazil đang chiếm ưu thế
Phe ủng hộ luận tội Tổng thống Brazil đang chiếm ưu thế

Những người ủng hộ luận tội Tổng thống Dilma Rousseff đang chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu ngày 17/4 tại Hạ viện. Kết quả cuộc bỏ phiếu này có thể chấm dứt 13 năm lãnh đạo của đảng Lao động tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN