Theo hãng tin Reuters, trong một bài phát biểu trước người dân Belarus, Tổng thống Lukashenko nói rằng không cần có điều kiện tiên quyết nào cho một lệnh ngừng bắn. Ông cũng cảnh báo Ukraine không phát động cuộc phản công vào mùa xuân theo kế hoạch, nói rằng điều đó sẽ khiến các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không thể thực hiện được.
Cũng trong bài phát biểu, ông Lukashenko cho biết kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là cơ hội để bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ phương Tây. Theo ông Lukashenko, phương Tây đang xây dựng lực lượng quân sự ở Ba Lan, trên biên giới Belarus, lên kế hoạch xâm lược và hủy diệt nước này.
Bài phát biểu của ông Lukashenko diễn ra khi không có dấu hiệu cho thấy Nga và Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình và sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào tháng 7 tới. Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga cho hay sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Belarus vào đầu tháng 4 để lái máy bay mang bom hạt nhân và sẽ hoàn thành xây dựng một cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7 tới.
Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Belarus đã cho biết lý do nước này buộc phải đặt vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ mình là do các hành động gây hấn của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đe dọa an ninh của chính Belarus.
Belarus cũng khẳng định các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế vì Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí này.
Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết thêm Mỹ cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh châu Âu.
Theo ông Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nơi giáp biên giới với Ba Lan.
Tổng thống Putin nói: “Chúng ta đã nhất trí với Tổng thống Lukashenko rằng chúng ta sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus mà không vi phạm cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko đã từng tỏ dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ có một số loại thỏa thuận về căn cứ hạt nhân trong một thời gian. Hơn một năm trước, Tổng thống Belarus đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm thay đổi hiến pháp để cho phép các thỏa thuận kiểu này.
Phản ứng về thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, một loạt quốc gia đã chỉ trích Nga.
Ngày 26/3, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov, cảnh báo việc Nga lên kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ gây bất ổn cho quốc gia Đông Âu này. Bộ Ngoại giao Ukraine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn về vấn đề liên quan, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những biện pháp quyết đoán nhằm ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, NATO đã chỉ trích quyết định của Nga là nguy hiểm. Người phát ngôn của NATO - bà Oana Lungescu - cho biết: "NATO đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này”.
Về phần mình, ngày 27/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định bất chấp những lời chỉ trích từ phương Tây, Nga sẽ không thay đổi kế hoạch do Tổng thống Putin tuyên bố. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Peskov nêu rõ: "Một phản ứng như vậy tất nhiên không thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của Nga".