Theo trang Quartz, các nước châu Phi đang coi vũ trụ là nơi có thể đáp ứng nhu cầu kết nối internet ngày tăng. Nhu cầu này xuất phát từ đặc điểm sử dụng dữ liệu thay đổi nhanh chóng và nhu cầu giảm khoảng cách số ở các nước nằm hoàn toàn trong đất liền.
Nhu cầu kết nối internet đã tăng vọt khắp châu Phi trong hai năm qua, chủ yếu do những gián đoạn mà COVID-19 gây ra. Đại dịch đã thay đổi đáng kể cách người dân châu Phi sử dụng dữ liệu.
Chưa bao giờ người dân ở châu Phi lại làm việc, học tập ở nhà nhiều như hiện nay. Làn sóng đổi mới trong vũ trụ công nghệ đã tràn khắp châu lục để thúc đẩy nhu cầu kết nối internet.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận internet ở châu Phi mới chỉ là 39%, tức là trên 60% dân số còn lại không được tiếp cận internet. Theo Phó chủ tịch Mạng lưới SES châu Phi, Caroline Kamaitha, các chính phủ đang dẫn dắt để đảm bảo công dân có thể truy cập internet theo nhu cầu. Bà nói: “Các chính phủ đang thực hiện bước đi thực sự lớn để đảm bảo người dân ở các nước này có thể kết nối mạng”.
Tổng thư ký Smart Africa, liên minh liên Phi gồm 32 quốc gia châu Phi, đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi tiếp cận băng thông rộng, với cam kết giảm một nửa chi phí sử dụng internet tới năm 2025 dựa vào các giải pháp mạng lưới phi trái đất (NTN).
Trong thập kỷ qua, ngày càng có nhiều hoạt động trên thị trường vũ trụ của châu Phi khi cả chính phủ và khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài đều tăng cường nỗ lực hướng tới kết nối internet dựa trên vệ tinh.
Bà Kamaitha nói: “Mỗi quốc gia có một kiểu chương trình vũ trụ… Chúng ta cũng có các quốc gia khắp châu Phi đã phát triển vệ tinh riêng để sử dụng thương mại và mục đích chủ quyền”.
Theo báo cáo Ngành Vũ trụ châu Phi thường niên năm 2020, tính tới tháng 4/2019, 8 quốc gia châu Phi gồm Kenya, Ghana, Morocco, AI Cập, Algeria, Nigeria, Nam Phi và Angola đã phóng 32 vệ tinh quốc gia vào quỹ đạo.
Các nước châu Phi tới nay đã chi trên 4,5 tỷ USD vào các dự án vệ tinh với ít nhất 21 trong 54 quốc gia châu Phi có chương trình vũ trụ hoặc đang trong quá trình hình thành.
Hồi tháng 7, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Nigeira (NASRDA) đã đưa ra đề xuất, trong đó có thỏa thuận hợp tác công-tư để cung cấp cho 90% dân số internet đáng tin cậy, rẻ hơn, nhanh hơn vào năm 2025
Nhà vận hành vệ tinh tiềm năng tư nhân đầu tiên của Nam Phi là MzansiSat đã thông báo kế hoạch cung cấp kết nối internet cho mọi quốc gia SADC. Các công ty vệ tinh thương mại địa phương khác ở châu Phi gồm Vệ tinh Viễn thông Nigeria và Công ty Vệ tinh Ai Cập (Nilesat) cũng tham gia.
Tập đoàn SpaceX đã xây dựng chòm sao internet vệ tinh tên là Starlink, sẽ coi thị trường châu Phi là mục tiêu với các vụ phóng vệ tinh được lên kế hoạch từ cuối năm 2021 và đầu năm tới. Starlink đã phóng trên 1.500 vệ tinh khắp nơi và đang thử nghiệm bản beta dịch vụ ở nhiều nước châu Phi.
Bà Kamaitha nói: “Thị trường vũ trụ đã thay đổi mạnh. Nó không còn là thị trường mà chúng ta đã có cách đây 5 năm. Nó đang thay đổi để đáp ứng nhu cầu kết nối”.
Mạng lưới SES gần đây đã ra mắt O3b mPower, vệ tinh thế hệ tiếp theo. Kế hoạch của mạng lưới là ban đầu phóng 11 vệ tinh tốc độ cao vào quỹ đạo để cung cấp bao phủ internet toàn cầu, trong đó có châu Phi. Kế hoạch này sẽ bổ sung cho vệ tinh 0 O3b hiện tại đang phục vụ khách hàng châu Phi.
Công ty này cho biết đang hướng tới các chính phủ để thiết lập quan hệ công-tư để mở rộng kết nối internet ra các khu vực hẻo lánh, tăng cường sức bền của các nhà vận hành mạng lưới di động, hỗ trợ các quốc gia nội lục nỗ lực thu hẹp khoảng cách trong kết nối internet.
Bà Kamaitha nói: “Chúng ta có các quốc gia nội lục không có tiếp cận với cáp dưới biển và phải đi qua nhiều nước mới có kết nối internet. Vẫn có nhu cầu kết nối ở các thị trường này và vệ tinh chính là câu trả lời”.
Các nước ở khu vực Sahel như Chad, Niger và Mali là cơ hội lớn cho kết nối vệ tinh vì các nước này lớn và hoàn toàn nằm trong lục địa.
Các chính phủ ngày càng có nhu cầu internet cho các lĩnh vực quan trọng như an ninh, tình báo, giám sát, trinh sát. Trong khi đó, internet vạn vật cũng đang tạo ra nhu cầu về mặt thương mại.
Theo dự báo, thị trường vũ trụ ở châu Phi sẽ vượt giá trị 10 tỷ USD tới năm 2024 nhờ đầu tư gia tăng.