Tình trạng sức khỏe người lao động đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế của Anh

Theo phóng viên TTXVN tại London, các quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khi đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng kinh tế thường không xem xét chi tiết danh sách bệnh nhân đang chờ đợi trong nhiều tháng để được chữa bệnh tại Cơ quan Y tế công cộng Anh NHS. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, sức khỏe của lực lượng lao động ở Anh đã trở thành một câu hỏi cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Chú thích ảnh
Người dân tại London, Anh ngày 1/11/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nước Anh đã tránh được tình trạng mất việc làm lớn ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, nhưng kể từ khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, Anh đã chứng kiến làn sóng di cư của những người lao động lớn tuổi khỏi lực lượng lao động. Số người trong độ tuổi lao động không hoạt động kinh tế - không đi làm cũng như không tìm kiếm việc làm - đã tăng hơn 630.000 người kể từ năm 2019. Điều trái ngược với các quốc gia khác, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy số người sẽ quay trở lại lao động - ngay cả khi lạm phát gia tăng, gây ra căng thẳng mới đối với tài chính của các hộ gia đình.

Theo xu hướng hiện tại, Anh sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong OECD có lực lượng lao động nhỏ hơn so với trước đại dịch. Hiện tại, Anh chỉ đứng sau Latvia và Thụy Sĩ.

Theo một phân tích dữ liệu của Viện nghiên cứu Tài chính Anh, sức khỏe yếu dường như không phải là động lực chính của làn sóng nghỉ hưu sớm này. Nhiều công nhân lớn tuổi cho biết, họ muốn thay đổi lối sống và có đủ khả năng để nghỉ hưu, trong khi những người khác cảm thấy họ bị ép buộc bởi các thông lệ tuyển dụng phân biệt tuổi tác hoặc văn hóa làm việc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người không có việc làm khi bắt đầu đại dịch nói rằng, tình trạng sức khỏe đã ngăn cản họ quay trở lại. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, hiện có kỷ lục 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia thị trường lao động vì ốm đau dài hạn, tăng từ 2 triệu vào mùa xuân năm 2019.

Mặc dù tình trạng sức khỏe của người dân Anh ngày càng xấu đi là một trường hợp khẩn cấp theo đúng nghĩa đen, với ít nhất 5,5 triệu người ở Anh đang chờ điều trị tại bệnh viện, nhưng điều này cũng gây ra những tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Jonathan Haskel, một thành viên của BoE cho rằng, dữ liệu chính thức đã đánh giá thấp mức độ không hoạt động liên quan đến sức khỏe, bởi vì sức khỏe thường là yếu tố cơ bản khi mọi người quyết định nghỉ hưu sớm. Ông lập luận rằng cuộc khủng hoảng ở NHS đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động, thúc đẩy tăng lương và đe dọa tạo ra áp lực lạm phát ở Anh lâu hơn các quốc gia khác. Nếu điều này là đúng, BoE có thể cảm thấy cần phải tăng lãi suất hơn nữa và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, nếu không sẽ làm sâu sắc thêm suy thoái kinh tế mà Anh đã phải đối mặt do cú sốc giá năng lượng.

Lực lượng lao động nhỏ hơn cũng sẽ là lực cản lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế. Trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19, sự bùng nổ việc làm là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Anh tiếp tục tăng trưởng, giúp bù đắp hiệu suất thấp trong thời gian dài của Anh về đầu tư kinh doanh và năng suất.

Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính của Anh, hiện đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng của Anh trong trung hạn, lưu ý rằng “một số diễn biến bất lợi” có thể “bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe”. Tháng 11/2022, OBR cũng đã lưu ý về hậu quả trực tiếp đối với tài chính công, khi dự kiến tăng chi tiêu cho người khuyết tật và các lợi ích liên quan đến sức khỏe, cao hơn 7,5 tỷ bảng so với dự đoán tại thời điểm dự báo trước đó vào tháng 3/2022, với số lượng yêu cầu những lợi ích này tăng hơn 1 triệu người.

Ngay cả khi không có giải pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng ở NHS, các chuyên gia thị trường lao động cho biết, phần lớn chi phí này đối với nền kinh tế có thể tránh được nếu chính phủAnh và người sử dụng lao động đưa ra thêm các biện pháp để giúp những người có tình trạng sức khỏe tiếp tục làm việc - hoặc quay trở lại công việc mới.

Vân Hải (TTXVN)
Tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động
Tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động

Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa có báo cáo thị trường lao động 11 tháng năm 2022, đáng chú ý có 4 địa phương báo cáo về tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN