Tình hình dịch bệnh ngày 14/5: Thế giới có trên 4,4 triệu ca nhiễm virus SARS-COV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h ngày 14/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 4.467.752 ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 299.553 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Selangor, Malaysia, ngày 10/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.678.563 người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.434.421 ca nhiễm và 85.388 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 272.646 ca nhiễm và 27.321 ca tử vong, Nga với 252.245 ca nhiễm và 2.305 ca tử vong, Anh với 233.151 ca nhiễm và 33.614 ca tử vong và Italy với 222.104 ca nhiễm và 31.106 ca tử vong.
Tại Mỹ, trong bối cảnh nhiều bang đang dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, Thị trưởng Washington, bà Muriel Bowser đã thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô đến hết ngày 8/6 khi số ca nhiễm mới tại đây vẫn tiếp tục tăng.

Theo Văn phòng khu vực châu Âu của WHO, tính đến ngày 14/5, châu lục này đã ghi nhận hơn 1,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 160.000 ca tử vong - chiếm 43% các trường hợp mắc bệnh và 56% số ca tử vong trên toàn cầu.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca tử vong trong ngày 14/5 của nước này là 217 người, trong khi con số ghi nhận một ngày trước đó là 184 người. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8/5, số các trường hợp tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha lại vượt mức 200 ca. Hơn 50% số các ca tử vong mới ghi nhận tại vùng Catalonia. 

Cùng ngày, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại dịch Trung ương thuộc Cơ quan Giám sát Vệ sinh Nga Alexander Gorelov cho rằng Nga có thể phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 2 và thậm chí thứ 3 của dịch COVID-19 khi chưa tìm được vaccine hoặc có miễn dịch cộng đồng.   

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục về cơ bản đã khống chế được đại dịch COVID-19, nhưng đang xuất hiện những lo ngại về đợt bùng phát thứ 2 trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này dỡ bỏ những phong tỏa, hạn chế. Một số ca lây nhiễm mới đã được ghi nhận trong vài tuần gần đây ở các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tại Vũ Hán, chính quyền đã triển khai chương trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ người dân trong vòng 10 ngày, sau khi thành phố phát hiện ổ lây nhiễm mới kể từ khi cửa trở lại vào ngày 8/4 sau 76 ngày bị phong tỏa do dịch COVID-19. Trong ngày 14/5, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bàn về việc triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu tiếp tục nỗ lực ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài và sự tái bùng phát trong nước bằng cách đảm bảo các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát được thực hiện một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát có mục tiêu đối với những ổ dịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc là Hắc Long Giang  và Cát Lâm. Trung Quốc cũng sẽ triển khai các biện pháp linh hoạt để ngăn chặn các ca bệnh "nhập khẩu".

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 trên tổng số 47 tỉnh thành trước khi hết hạn vào cuối tháng này trong bối cảnh sự lây lan của dịch COVID-19 tại các khu vực trên đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và 7 tỉnh, thành khác nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt, trong đó có ba tỉnh giáp thủ đô gồm Chiba, Kanagawa, Saitama; ba tỉnh ở khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo; và tỉnh cực Bắc Hokkaido.

Bên cạnh đó, Nhật Bản thông báo sẽ đưa thêm 13 nước khác vào diện tạm cấm nhập cảnh công dân nước ngoài trong nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/5 tới.

Tiếp tục có nhiều thông tin tích cực về cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại Đông Nam Á. Tại Lào, Bộ Y tế cho biết nước này đã bước sang ngày thứ 32 không phát hiện ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, song tiếp tục kêu gọi người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống COVID-19 cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Tính tới chiều 14/5, tại Lào vẫn chỉ có 19 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 14 người đã bình phục.

Tại Malaysia, chính phủ nước này thông báo sẽ nới lỏng lệnh cấm các cuộc tụ tập tôn giáo tại các đền thờ bắt đầu từ ngày 15/5, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Trong ngày 14/5, Malaysia đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 và một ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 6.819 người, trong đó có 112 trường hợp không qua khỏi.

Cùng ngày, quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này đã ghi nhận 568 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 16.006 người. Ngoài ra, Indonesia cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong liên quan tới COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.043 người.

Thái Lan chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới sau khi lần đầu tiên không có ca mắc mới trong hơn hai tháng qua. Theo đó, tính đến chiều 14/5, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.018 ca mắc COVID-19, trong đó 2.850 bệnh nhân đã bình phục, 112 người vẫn còn được điều trị tại các bệnh viện và 56 ca tử vong.

Singapore vẫn là ô dịch lớn nhất ở Đông Nam Á với tổng số ca nhiễm lên tới 26.098 trường hợp, trong đó có 21 ca tử vong.

Đặng Ánh (TTXVN)
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 13/5: Toàn khối trên 62.790 người mắc bệnh, 1.989 ca tử vong
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 13/5: Toàn khối trên 62.790 người mắc bệnh, 1.989 ca tử vong

Hết ngày 13/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 62.790 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và gần 2.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN