Số ca được điều trị khỏi bệnh là 39.502.649 người. Tổng số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận xuất hiện căn bệnh này tăng lên 218, sau khi quốc gia xa xôi nằm ở Nam Thái Bình Dương Samoa thông báo ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 256.445 ca tử vong trong tổng số 11.882.927 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 8.963.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 131.667 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.947.403 ca mắc và 167.497 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.065.138 ca mắc và 46.698 ca tử vong.
Tại châu Âu, số ca mắc tại Nga đã vượt quá 2 triệu người, khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày tăng ở mức cao mới. Theo số liệu của trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga, nước này ghi nhận thêm 23.610 ca nhiễm mới và 463 ca tử vong. Hiện Nga trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cùng ngày cho biết nước này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục với 13.357 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng tăng ở mức cao mới với 257 ca. Hiện tổng số ca mắc tại Ukraine đã tăng lên 583.510 ca, trong đó 10.369 ca tử vong.
Dù Đức đã triển khai biện pháp phong tỏa một phần để phòng dịch, song số ca mắc mới trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao. Theo Viện Robert Koch (RKI), Đức ghi nhận thêm 22.609 ca mắc, xấp xỉ con số cách đây 1 tuần. Đến nay, quốc gia này đã xác nhận tổng cộng 855.916 ca mắc, trong đó có 13.370 ca tử vong.
Trong bối cảnh giới chuyên gia lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ làm giảm hiệu quả của vaccine phòng virus này trong tương lai, Bộ Y tế Đan Mạch cho rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại các trang trại nuôi chồn ở Đan Mạch rất có thể đã tuyệt chủng. Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở nhà chức trách chưa xác nhận thêm trường hợp chồn mắc biến thể virus SARS-CoV-2 liên quan đến ổ dịch được phát hiện tại nước này từ ngày 15/9 vừa qua.
Trong khi đó, Thụy Điển cho biết đã xác nhận một số ca mắc COVID-19 ở những lao động làm việc trong ngành chăn nuôi chồn. Cơ quan chức năng đang tiến hành phân tích và nghiên cứu để đánh giá mối liên quan giữa những người mắc COVID-19 và việc họ tiếp xúc với chồn.
Cùng ngày, một người phát ngôn Chính phủ CH Ireland cho biết nước này đang có kế hoạch tiêu hủy chồn trên toàn quốc do lo ngại loài động vật này có thể mang biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở những con chồn tại Đan Mạch.
Tại châu Á, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã quyết định nâng cảnh báo về dịch bệnh COVID-19 lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp độ. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong ngày ở thành phố này ngày 19/11 lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này đang trong trạng thái “cảnh giác cao nhất” trước đại dịch COVID-19. Ông Suga kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang tại các nhà hàng và chỉ bỏ khẩu trang ra trong một thời gian ngắn để ăn uống nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới dao động trên ngưỡng 300 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị đối phó với một làn sóng lây nhiễm tiềm tàng khác với sự gia tăng các ổ lây nhiễm tập thể rải rác trên quy mô toàn quốc.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 19/11 cho thấy nước này ghi nhận thêm 343 ca mắc mới, trong đó có 293 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 29.654 ca. Trong số 293 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) ghi nhận 177 trường hợp.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này cũng ghi nhận thêm 329 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 31/7, nâng tổng số lên 111.613 ca. Trong vòng 24 giờ qua, Ai Cập cũng có thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 6.495 người.
Những thông tin tích cực về vaccine đem lại hy vọng mới cho những người dễ bị tổn thương nhất vì COVID-19. Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vaccine AZD1222 hay ChAdOx1 nCoV-19, của hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế đã tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người cao tuổi. Theo các dữ liệu đầy đủ được đăng trên tạp chí y học The Lancet, những người ở độ tuổi trên 70, vốn có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng và dễ tử vong, có thể hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ đối với virus SARS-CoV-2 khi có các phản ứng kháng thể và tế bào T trong cơ thể.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới sẽ phải tiếp tục đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai mà không có vaccine. Theo ông Ryan, không nên coi vaccine phòng COVID-19 là giải pháp "nhiệm màu" cho cuộc chiến hiện tại và các nước đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh dâng cao sẽ vẫn tiếp tục phải vượt qua thử thách lần này mà không có vaccine.