Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó với COVID-19

Chiều 19/11, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông báo một số nội dung liên quan đến hoạt động đối ngoại và trả lời một số câu hỏi của phóng viên.

Chú thích ảnh
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời những vấn đề được báo chí trong nước và quốc tế quan tâm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Từ ngày 21-22/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó với COVID-19, thương mại đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.

Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các chủ đề vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, phát triển bao trùm và có khả năng chống chịu.

Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên cao cho quan hệ với Campuchia

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan hệ Việt Nam-Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia; mong muốn đưa quan hệ hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Những thành quả quan trọng trong hợp tác giữa hai nước thể hiện cụ thể trên rất nhiều lĩnh vực. Hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư tiếp tục được duy trì. Năm 2018 và 2019, hai nước đã ký 21 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, cho đến nay được khoảng 84%; tiến hành bàn giao bộ bản đồ địa hình biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia vào tháng 8/2020 vừa qua.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã hỗ trợ các trang thiết bị y tế nhằm chia sẻ những khó khăn của Campuchia đồng thời tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế đa phương, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực.

Cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên Biển Đông

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vấn đề Biển Đông được thảo luận như thế nào tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao Đông Á lần thứ 15, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa.

Các nước cũng cho rằng cần đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Việt Đức (TTXVN)
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC kêu gọi thương mại mở và đa phương
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC kêu gọi thương mại mở và đa phương

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 19/11 đã kêu gọi thương mại mở và đa phương nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN