Tình hình COVID-19 hết ngày 1/5 tại ASEAN: 46.179 người mắc bệnh, nhóm 'đáng lo ngại' còn 3 nước

Hết ngày 1/5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng 46.179 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.557 ca tử vong. Singapore trải qua một ngày có số ca mắc bệnh tăng vọt, với 932 trường hợp; trong khi hơn một nửa quốc gia trong khu vực đã ngăn chặn hiệu quả hoặc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Một cửa hiệu cắt tóc nhận cắt tóc miễn phí cho nhân viên y tế tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 46.179 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 1.725 ca so với 1 ngày trước.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.557 người dân trong khu vực, tăng 19 trường hợp so với ngày 30/4. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 13.087 trường hợp.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đang diễn biến khác nhau tại hai nhóm quốc gia, đáng lo ngại nhất là nhóm gồm Singapore, Philippines, Indonesia. Các nước thành viên ASEAN còn lại, một số đã chứng kiến dịch dịu đi đáng kể như Thái Lan, Malaysia, trong khi 6 quốc gia khác, gồm Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Brunei, Timor Leste, Lào đã khống chế hiệu quả dịch bệnh.

Việt Nam tiếp tục trải qua ngày thứ 15 không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, duy trì con số 270 ca nhiễm virus và số ca khỏi bệnh hiện là 219.

Chú thích ảnh
Binh sĩ tham gia phòng dịch COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore chưa thể sớm kiểm soát dịch 

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 là 932 ca, tăng vọt so với ngày 30/4 (với 528 người). Đến hết ngày 1/5, Singapore có 1.244 ca hồi phục và xuất viện, số ca đang phải điều trị tích cực là 22 và số ca tử vong là 15.

Trước tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, và tổng số ca nhiễm đã là 17.101 người, giới chức Singapore thừa nhận diễn biến dịch trong đối tượng lao động nhập cư tiếp tục là một thách thức và sẽ phải mất vài tuần nữa mới có thể kiểm soát được. Trong số các ca mắc COVID-19, khoảng 90% số ca nhiễm là lao động nước ngoài. Hiện tại, đã có 38/43 khu nhà ở tập thể của lao động nước ngoài được coi là ổ dịch. Ngoài ra, có 20/1.200 khu nhà ở nhỏ khác đã xuất hiện dịch bệnh.

Để ngăn chặn dịch lây lan tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài và tránh lây lan ra cộng đồng, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly toàn diện đối với tất cả lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại 43 khu nhà ở thêm 2 tuần, tới ngày 18/5.

Chú thích ảnh
Một khu nhà ở của người lao động nước ngoài tại Singapore ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện Singapore tiếp tục tăng cường xét nghiệm trong cộng đồng lao động nước ngoài, tập trung vào 3 nhóm, gồm lao động trong lĩnh vực thiết yếu, những người có biểu hiện bệnh và những người tiếp cận gần gũi với người mắc COVID-19.

Đến nay đã có tổng cộng 25.000/323.000 lao động tại 43 khu nhà tập thể được xét nghiệm. Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 1/5, Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo nhấn mạnh, các lao động nước ngoài nhiễm bệnh sẽ được hưởng chế độ điều trị không khác gì các công dân Singapore. Singapore sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo đảm các quyền lợi, đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nước ngoài trong giai đoạn khó khăn này.

Indonesia: Số ca mắc bệnh mới vẫn ở mức cao

Ngày 1/5, Indonesia xác nhận có 433 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 10.551. Con số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tại nước này hiện là 800 ca, tăng 8 ca trong vòng 24 giờ qua. Indonesia cũng ghi nhận 1.591 bệnh nhân đã bình phục.

Hiện nay đất nước vạn đảo đã xét nghiệm được cho 76.500 người.

Chú thích ảnh
Binh sĩ tham gia phòng dịch COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan: 5 ngày liên tiếp số ca bệnh mới dừng ở 1 con số 

Thái Lan ngày 1/5 xác nhận 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, song không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Đây là ngày có số lượng ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp nhất được ghi nhận ở nước này kể từ hôm 14/3.

Đến nay, Thái Lan đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở mức 1 con số. Tính đến ngày 1/5, nước này có tổng cộng 2.960 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng bán đồ ăn bên ngoài trung tâm thương mại và quầy hàng rong trên đường phố sẽ được phép hoạt động trở lại từ 3/5. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan

Mặc dù vẫn đang trong quá trình thực thi Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho tới hết tháng này, nhưng Thái Lan từ ngày 3/5 đã bắt đầu giai đoạn 1 của việc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19. Chính phủ nước này đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng để nối lại hoàn toàn các hoạt động với điều kiện số ca mắc COVID-19 mới nằm trong tầm kiểm soát.

Bộ Giáo dục Thái Lan dự báo từ tháng 7, tình hình dịch COVID-19 ở nước này sẽ được cải thiện và học sinh ở một số khu vực có thể đi học trở lại. Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ mở cửa lại tất cả các trường công lập cho năm học mới từ ngày 1/7.

Trong một diễn biến khác, Trường Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đang phát triển các bộ xét nghiệm nhanh bệnh COVID-19 có thể cho kết quả trong 15 phút dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Bộ xét nghiệm này, có tên gọi là PSU COVID-19 Rapid Test Kit, sử dụng nguyên lý sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgM và IgG mà hệ miễn dịch của người bị nhiễm COVID-19 sản sinh ra. Xét nghiệm được thực hiện chỉ với một vài giọt máu (tương đương 15-20 microlitre) và có thể cho kết quả trong 15-20 phút thông qua một que thử tương tự như que thử thai. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một bệnh viện ở tỉnh Yala, Thái Lan ngày 30/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Lào nới lỏng một số hạn chế

Sau hơn 1 tháng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với những thành công bước đầu, chiều 1/5, hai ngày trước khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội (3/5), Chính phủ Lào đã công bố một số biện pháp nới lỏng các quy định hạn chế để đưa xã hội dần trở lại nhịp hoạt động bình thường trên tinh thần vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m.

Tính đến hết ngày 1/5, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Lào vẫn là 19 người, trong đó đã có 8 người được chữa khỏi, nâng tổng số ngày Lào không có ca nhiễm mới lên 20 ngày liên tiếp. Đây là cơ sở để Chính phủ Lào nới lỏng một số quy định hạn chế và sẽ áp dụng từ ngày 4/5 đến ngày 17/5 tới. Theo đó, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại bình thường theo hình thức luân phiên cán bộ, có thể tiếp tục làm việc trực tuyến nếu có đầy đủ trang thiết bị công nghệ; Người dân được rời khỏi nhà và di chuyển chỉ trong phạm vi thủ đô Viêng Chăn hoặc các tỉnh nơi mình đang sinh sống; Cho phép triển khai tổ chức chương trình đào tạo trong phạm vi nội tỉnh nhưng phải hạn chế người tham gia; Các hàng quán như quán ăn, tiệm cắt tóc, làm đẹp, chợ thực phẩm, trung tâm thương mại, quán cà phê...  được phép trở lại hoạt động; Các nhà máy và dự án lớn được nối lại hoạt động...

Lào sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp như cấm mọi cá nhân di chuyển liên tỉnh (ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ); Tiếp tục đóng cửa các tụ điểm giải trí, quán bia rượu, ăn uống, rạp phim, karaoke, mát xa, sòng bạc, chợ đêm, các trung tâm thể thao trong nhà, thể thao ngoài trời theo đội nhóm; Cấm tổ chức các hoạt động tụ tập, lễ tiệc, tập trung quá 10 người và không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét...

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines, ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines cho phép dịch vụ đánh bạc trực tuyến hoạt động trở lại

Chính quyền Philippines đã cho phép các casino trực tuyến, chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc, nối lại một phần hoạt động bất chấp lệnh phong toả đang được thực thi trên đảo Luzon. "Quyết định được đưa ra với mục đích giúp chính phủ có nguồn thu cần thiết để chiến đấu với đại dịch", Tập đoàn giải trí và đánh bạc Philippines cho biết trong một thông báo. 

Các nhà điều hành đánh bạc tại Philippines phải nộp phí tương đương 2% tổng doanh thu cho chính phủ. Những khoản phí như vậy mang lại nguồn thu 5,73 tỷ peso (160 triệu đô-la Singapore) vào năm 2019 và 1,8 tỷ peso trong quý 1 năm nay.

Tính đến hết ngày 1/5, Philippines ghi nhận 8772 ca mắc COVID-19, tăng 284 trường hợp so với một ngày trước, trong đó có 579 ca tử vong (tăng 11) và 1.084 bệnh nhân đã xuất viện.

Malaysia khôi phục hoạt động doanh nghiệp

Ngày 1/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp khôi phục hoạt động từ ngày 4/5, nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt nhằm kiềm chế sự lây lan của bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, Malaysia sẽ nối lại hoạt động kinh tế một cách thận trọng và có kiểm soát. Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đặc thù tụ tập đông người và tiếp xúc gần như rạp chiếu phim và các chợ Ramadan, chưa được phép mở cửa trở lại. Các trường học và đền thờ Hồi giáo cũng vẫn đóng cửa. Người dân cũng không được phép về quê trong kỳ nghỉ Eid cuối tháng 5, sau tháng lễ Ramadan.

Chú thích ảnh
Kể từ ngày 4/5, hầu hết các ngành kinh tế của Malaysia sẽ được khôi phục hoạt động với những điều kiện nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: EPA-EFE

Theo ông Muhyiddin Yassin, một số biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và duy trì vệ sinh dịch tế vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Các hoạt động thể thao có không quá 10 người tham gia, như chạy, cầu lông và đạp xe được phép diễn ra, các hàng ăn có thể mở cửa lại nhưng phải tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Malaysia vẫn chưa mở cửa lại biên giới, dịch vụ du lịch nước ngoài cũng chưa được hoạt động trở lại.

Ngoài ra, Thủ tướng Malaysia cũng thông báo chính phủ đã tổn thất 63 tỉ ringgit (tương đương 14,68 tỉ USD) vì những hạn chế đi lại và du lịch được áp đặt trong 6 tuần qua và sẽ thiệt hại thêm 35 tỉ ringgit nếu các hạn chế này được gia hạn thêm 1 tháng.

Số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã chậm lại đáng kể trong vài tuần trở lại đây. Hết ngày 1/5, nước này ghi nhận 6.071 ca mắc và 103 ca tử vong.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Việt Nam 15 ngày không ca mắc mới COVID-19
Việt Nam 15 ngày không ca mắc mới COVID-19

Tính đến 18 giờ ngày 1/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 270 trường hợp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất và các khu công nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN