Quan chức trên cho biết: "Chúng tôi đang xúc tiến các nỗ lực một cách nhanh chóng. Các công tác hậu cần cho thấy không có trục trặc nào tính đến thời điểm hiện tại và chúng tôi đã có thể sơ tán hơn 2.200 nhân viên ngoại giao, nhân viên an ninh nước ngoài và người Afghanistan từng làm việc cho các đại sứ quán."
Trước đó, lực lượng Mỹ điều hành sân bay tại Kabul đã phải dừng các chuyến bay trong ngày 16/8, sau khi hàng nghìn người Afghanistan tràn vào sân bay này nhằm tìm cách rời khỏi đất nước. Các chuyến bay được nối lại một ngày sau đó, khi tình hình đã được kiểm soát.
Ngày 18/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo nước này "đã sơ tán an toàn 306 công dân Anh và 2.052 người Afghanistan như một phần trong chiến dịch tái định cư" của nước này. London đang nỗ lực sơ tán khoảng 1.000 người/ngày, trong khi Đức mới chỉ sơ tán được 130 người. Pháp cho biết đã sơ tán 25 công dân và 184 người Afghanistan, trong khi Australia xác nhận 26 công dân nước này đã trở về nhà trên chuyến bay sơ tán đầu tiên mà Canberra triển khai tại Kabul.
Tuy nhiên, Hà Lan đã không thể thực hiện thành công chuyến bay sơ tán trong đêm 17/8 do tình trạng hỗn loạn bên ngoài sân bay Kabul. Theo Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag, nước này dự định đưa 1.000 nhân viên của Đại sứ quán Hà Lan cũng như các thông dịch viên và gia đình của họ rời khỏi Afghanistan. Thế nhưng, chiếc máy bay quân sự chỉ có thể đỗ tại sân bay trong khoảng 30 phút và trở về nước mà không có thêm hành khách nào.
Phía Taliban khẳng định mong muốn tạo lập hòa bình và cam kết về "một sự khác biệt rất lớn" giữa lực lượng này ở thời điểm hiện tại và cách đây 20 năm. Theo tuyên bố của người phát ngôn Taliban - ông Zabihullah Mujahid, lực lượng này sẽ không trừng phạt những người làm việc cho chế độ trước đây, sẽ ân xá cho các cựu binh cũng như các nhà thầu và phiên dịch viên từng làm việc cho các lực lượng quốc tế, đồng thời cho phép nữ giới được đi học và đi làm, cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác trong phạm vi mà đạo Hồi cho phép.
Tuy nhiên, hàng nghìn người Afghanistan vẫn muốn rời khỏi đất nước, trong khi những người ở lại giữ thái độ hoài nghi trước những cam kết của Taliban. Cô Ferishta Karimi - chủ một cửa hàng may mặc dành cho nữ giới - cho biết: "Gia đình tôi từng sống dưới thời Taliban cai trị. Có lẽ lần này họ thực sự muốn thay đổi hoặc đã thay đổi, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được và tất cả rồi sẽ sớm sáng tỏ thôi".
Trong bối cảnh Taliban củng cố quyền lực sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, lực lượng này cho biết các thủ lĩnh của họ giờ đây sẽ xuất hiện công khai trước thế giới, chứ không sống ẩn mình như trong quá khứ. Để minh chứng cho điều này, một trong những thủ lĩnh của họ - ông Mullah Abdul Ghani Baradar đã trở lại Afghanistan lần đầu tiên sau hơn 10 năm.
Ông Mullah Baradar - một trong những người đồng sáng lập Taliban - hiện đang đứng đầu Văn phòng chính trị Taliban và là thành viên nhóm đàm phán của lực lượng này tại thủ đô Doha của Qatar, nơi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đang diễn ra. Nhân vật này, được cho là một trong những cấp phó được tin tưởng nhất của thủ lĩnh đồng sáng lập Mullah Omar, đã bị các lực lượng an ninh bắt giữ tại thành phố Karachi ở miền Nam Pakistan vào năm 2010 và được trả tự do vào năm 2018.
Trong khi đó, ông Ramiz Alakbarov - điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) tại Afghanistan - cho biết Taliban đã đảm bảo với LHQ rằng cơ quan này có thể tiếp tục thực hiện công tác nhân đạo tại Afghanistan.
Một quan chức Taliban ngày 18/8 cho biết Anas Haqqani - một chỉ huy của Taliban, đồng thời là lãnh đạo cấp cao của nhóm Mạng lưới Haqqani đã có cuộc gặp với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, trong bối cảnh Taliban đang nỗ lực thành lập một chính phủ sau khi tiếp quản đất nước. Tháp tùng cựu Tổng thống Karzai trong cuộc gặp với Taliban có ông Abdullah Abdullah - một quan chức chủ chốt trong Hội đồng Hòa giải dân tộc của chính phủ cũ ở Kabul.
Mạng lưới Haqqani là một nhánh quan trọng của Taliban, có căn cứ tại biên giới với Pakistan. Trong những năm gần đây, mạng lưới này bị cáo buộc tiến hành một số vụ tấn công đẫm máu nhất tại Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang lên kế hoạch về một cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tuần tới, thảo luận về một chiến lược chung và cách thức tiếp cận Afghanistan. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã rất đắn đo để lựa chọn quyết định giữa việc yêu cầu quân đội Mỹ tiếp tục chiến đấu tại Afghanistan hoặc thực hiện thỏa thuận rút quân của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump - một quyết định đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi trong nước và trong các đồng minh của nước Mỹ.
Trong một tuyên bố mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ chỉ hợp tác với chính quyền Taliban nếu lực lượng này tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, trong đó bao gồm cả quyền của phụ nữ.