Tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Thái Lan

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 21/4 Thái Lan tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó trong 14 ngày qua 36 trên tổng số 77 tỉnh, thành trên cả nước không có ca nhiễm mới 

Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, Taweesin Wisanuyothin cho biết ngày 21/4 nước này đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong và 19 ca nhiễm, mức thấp nhất tính theo ngày trong vòng hơn một tháng qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến ngày 21/4, Thái Lan xác nhận có tổng cộng 2.811 ca nhiễm, trong đó 48 ca tử vong và 2.108 người đã bình phục. Bangkok là địa phương có nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất với 1.447 ca, tiếp theo là các tỉnh Phuket 191 ca, Nonthaburi 152 ca, Samut Prakan 108 ca, Yala 95 ca và Pattani 79 ca…

Tại cuộc họp của CCSA ngày 20/4, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch CCSA đã bày tỏ lo ngại về những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế liên lạc với những người điều hành kinh doanh và cân nhắc cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại, nhất là ở những tỉnh chưa có các ca lây nhiễm. Nguồn tin này cho biết thêm rằng các địa điểm giải trí vẫn sẽ đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm dự kiến sẽ được kéo dài thêm ít nhất một tháng nữa.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 - 30/4 nhằm hạn chế người dân đi lại và buộc họ ở trong nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.   

* Tại Indonesia cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo đã quyết định cấm tất cả mọi người về quê trong dịp lễ lễ xả chay Idul Fitri nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trong cuộc họp nội các trực tuyến, Tổng thống Widodo cho biết “quyết định lớn” nói trên được đưa ra dựa trên các đánh giá của chính phủ sau nhiều lần cảnh báo, đồng thời yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị để thực thi.

Tuần trước, một lệnh cấm tương tự đã được ban hành đối với tất cả công chức, binh sĩ, cảnh sát cùng gia đình. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Bộ Giao thông Vận tải tiến hành mới đây cho thấy 7% số người được hỏi cho biết đã về quê và 24% sẽ thực hiện điều này trong dịp lễ Idul Fitri sắp tới. 

Năm nay, Idul Fitri - ngày lễ lớn của người Hồi giáo ngay sau khi kết thúc tháng Ramadan - sẽ diễn ra trong một tháng kể từ ngày 23/4 tới. Các năm trước, dịp lễ này thường kéo theo cuộc di cư lớn với hàng chục triệu người từ khu vực thành thị đổ về các vùng nông thôn của “đất nước vạn đảo”.

Tính đến ngày 20/4, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 6.760 ca mắc COVID-18, trong đó 590 người tử vong, 747 bệnh nhân bình phục và xuất viện.

* Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) thuộc Bộ Y tế Campuchia Ly Sovann cho rằng Campuchia hiện đang trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, vì vậy người dân vẫn nên thận trọng và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn lây nhiễm bệnh dịch.

Ông Ly Sovann giải thích rằng dịch COVID-19 có 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn đầu phát hiện ít ca nhiễm bệnh; giai đoạn hai là dịch bệnh lan trong cộng đồng và giai đoạn ba là phát hiện hàng loạt ca lây nhiễm. Ông lo lắng rằng liệu 8 ngày qua không phát hiện ca nhiễm mới tại Campuchia có phải là dấu hiệu tích cực hay nguy hiểm thật sự vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ví dụ như trong đoàn khách Pháp ở Sihanoukville có gần 40 ca nhiễm chỉ trong vài ngày.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại tỉnh Kandal, Campuchia, ngày 5/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thành viên Ủy ban quốc gia chống COVID-19 của Campuchia cho biết ủy ban tiếp tục theo dõi kỹ tình hình dịch bệnh ở Campuchia; nghiên cứu sự lây lan của đại dịch ở các nước trong khu vực như cũng như diễn biến tại Trung Quốc và châu Âu. Campuchia lo ngại về trường hợp các F2, F3, F4, thậm chí là F5, đặc biệt là khi những ca nhiễm bệnh không biết vì sao lây nhiễm. Họ vẫn tiếp tục gặp gỡ người khác và thờ ơ với giãn cách xã hội.

Quan chức trên cũng cho biết thêm việc tìm ra các mối liên hệ với người nhiễm bệnh là chìa khóa quan trọng và để làm được điều này, thông tin về ca nhiễm phải minh bạch. Campuchia đang tập trung theo dõi khả năng lây nhiễm trong nhóm người ở một số nơi thuộc Phnom Penh, đồng thời giám sát chặt chẽ số lao động trở lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết Khmer kết thúc ngày 16/4 vừa qua.

Sáng 21/4, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Như vậy tính đến sáng nay, Campuchia có tổng cộng 122 ca nhiễm COVID-19, trong đó 110 người đã hồi phục.

Ngọc Quang - Hữu Chiến - Trang Nhung (TTXVN)
Bộ Y tế Thái Lan xây dựng chiến lược dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19
Bộ Y tế Thái Lan xây dựng chiến lược dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất 5 yêu cầu đối với một chiến lược nới lỏng và dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu với 32 trong tổng số 77 tỉnh thành trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN