Noyb, tổ chức có trụ sở tại Vienna (Áo), nổi tiếng với các vụ kiện nhắm vào các công ty Mỹ như Apple, Alphabet và Meta, lần đầu tiên đưa ra cáo buộc đối với các công ty Trung Quốc.
Tổ chức này đã nộp 6 đơn khiếu nại tại Hy Lạp, Hà Lan, Bỉ, Italy và Áo, yêu cầu đình chỉ ngay việc chuyển dữ liệu sang Trung Quốc và đề xuất áp dụng mức phạt lên tới 4% doanh thu toàn cầu của các công ty vi phạm.
Theo Noyb, AliExpress (thuộc Alibaba), Shein, TikTok và Xiaomi thừa nhận việc chuyển dữ liệu cá nhân người dùng châu Âu về Trung Quốc dựa trên các báo cáo minh bạch và tài liệu nội bộ. Trong khi đó, Temu và WeChat (thuộc Tencent) bị cho là chuyển dữ liệu đến các "quốc gia thứ ba" không được tiết lộ, có khả năng là Trung Quốc.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Guo Jiakun, khẳng định Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu cầu doanh nghiệp hoặc cá nhân thu thập dữ liệu tại các quốc gia khác một cách vi phạm pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi trọng và bảo vệ quyền riêng tư cùng bảo mật dữ liệu theo quy định pháp luật.
Xiaomi đã thông báo đang kiểm tra các cáo buộc và cam kết hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, các công ty khác chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức.
Theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU, việc chuyển dữ liệu ra ngoài EU chỉ được phép nếu quốc gia nhận dữ liệu có mức bảo vệ tương đương.
TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance, và nhiều công ty Trung Quốc khác đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ các cơ quan quản lý quốc tế. Tại Mỹ, TikTok dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào ngày 19/1 khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực.