Ngày 18/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Giao thông Vận tải Quốc tế (ITF), Litva, Thụy Điển và Canada đã công bố sáng kiến thành lập Nhóm lợi ích chung cho Ukraine (CIG4U) nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển ngành giao thông vận tải của Ukraine.
Đây là một trong những hoạt động ưu tiên của Litva, nước đang giữ chức Chủ tịch ITF.
Trong một bài viết trên facebook cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Cơ sở hạ tầng Ukraine, ông Serhii Derkach cho biết mục tiêu chính của CIG4U bao gồm điều phối hỗ trợ cho các nhu cầu vật chất liên quan đến vận tải và cung cấp hỗ trợ phân tích để khôi phục các liên kết giao thông.
Vị quan chức này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ này trong thời điểm hiện tại, đồng thời bày tỏ cảm ơn đối với các nước đối tác vì hành động của họ.
Tờ The Baltic Times ngày 19/12 cho biết thêm Litva, Canada và Thụy Điển, những nước khởi xướng nền tảng CIG4U cho ITF, sẽ giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt bằng cách góp phần tái thiết lâu dài các tuyến giao thông của Ukraine.
Nền tảng mới của ITF cũng sẽ điều phối việc huy động hỗ trợ quốc tế để tái thiết cơ sở hạ tầng của Ukraine, đảm bảo việc sử dụng viện trợ một cách minh bạch cho các ưu tiên chính của Ukraine.
Trong lĩnh vực giao thông, khoảng 20 dự án đã được xác định và Ukraine sẽ được ưu tiên. Một trong những dự án đầu tiên do Canada tài trợ đang được ITF triển khai trong lĩnh vực vận tải đường bộ và đường sắt của Ukraine.
Dự kiến, các bên tham gia nền tảng CIG4U sẽ thường xuyên trao đổi thông tin cập nhật về nhu cầu trước mắt cũng như các biện pháp dài hạn của Ukraine để đảm bảo hoạt động, an toàn và phát triển bền vững của hệ thống giao thông Ukraine trong tương lai.
Ngoài ra, nền tảng CIG4U sẽ hỗ trợ Ukraine trong hoạt động phân tích để giúp lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và các hành lang giao thông trong tương lai.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia thành viên ITF, các tổ chức quốc tế và tổ chức tài chính tham gia CIG4U.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Cơ sở hạ tầng Ukraine ông Serhii Derkach cho rằng những nỗ lực này dự kiến sẽ góp phần đáng kể vào việc tái thiết và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông của Ukraine, vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với Nga vẫn đang diễn ra cũng như những thách thức kinh tế và sự phong tỏa biên giới Ba Lan - Ukraine gần đây của các tài xế xe tải Ba Lan, hiện đã kéo dài hơn một tháng.
Trước đó khoảng một tuần, vào ngày 11/12, Anh và Na Uy khởi xướng việc thành lập Liên minh Năng lực Hàng hải nhằm cung cấp tàu và phương tiện để tăng cường khả năng hoạt động trên biển của Ukraine và cung cấp đào tạo, thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng giúp Ukraine để tăng cường an ninh ở Biển Đen".
Hoạt động đầu tiên là việc Anh chuyển hai tàu săn mìn lớp Sandown cho Hải quân Ukraine nhằm giúp Ukraine đối phó tốt hơn với mối đe dọa từ thủy lôi của Nga, nhằm khôi phục các tuyến xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen
Liên minh Năng lực Hàng hải là nằm trong một loạt sáng kiến của đồng minh nhằm hỗ trợ khả năng quân sự của Ukraine trong các lĩnh vực khác nhau giống như liên minh máy bay chiến đấu đã thành lập trước đó.
Hồi đầu tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước Anh và Hà Lan đã đồng ý phối hợp với nhau để xây dựng một liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực chiến đấu trên không, hỗ trợ nước này mọi thứ, từ đào tạo đến mua máy bay chiến đấu F-16.
Sau đó, vào ngày 19/5, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc Washington ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng các loại chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16.
Dự kiến, chương trình huấn luyện sẽ được tiến hành tại châu Âu và cần nhiều tháng để hoàn thành. Giới chức Mỹ ước tính khoảng thời gian ngắn nhất cần để huấn luyện sử dụng và chuyển giao F-16 là 18 tháng.