Tiền mặt mất dần chỗ đứng tại Hàn Quốc

Những khúc mắc của khách hàng về phương thức thanh toán đã trở thành cảnh tượng quen thuộc tại nhiều cửa hàng Starbucks ở Seoul kể từ khi Starbucks chi nhánh Hàn Quốc phát động chiến dịch “cửa hàng không tiền mặt” trước đó trong năm nay.

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng Starbucks ở Seoul thanh toán bằng thẻ. Ảnh: Yonhap

Starbucks Coffee Korea Co. đã mở ba cửa hàng tại các quận lớn, bao gồm Gangnam và Guro ở Seoul, và Pangyo ở phía nam thủ đô Hàn Quốc, và đã bắt đầu chạy thử hồi tháng 4. Ba tháng sau đó, công ty này nâng số cửa hàng chỉ chấp nhận thẻ lên con số 103, trong bối cảnh thanh toán bằng thẻ không còn là một điều gì đó quá xa lạ, ít nhất là đối với những người yêu cà phê ở Hàn Quốc.

Theo Starbucks Hàn Quốc, năm 2010, 30% hóa đơn mua hàng được thanh toán bằng tiền mặt, nhưng con số này đã giảm xuống còn 7% vào năm 2017.

Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks Hàn Quốc Lee Seock-koo cho biết đại đa số người tiêu dùng Hàn Quốc sử dụng các công cụ thanh toán phi tiền mặt như thẻ tín dụng và các loại thẻ di động khác. Ông Lee nhận định rằng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Hàn Quốc được thiết lập tốt và toàn diện hơn so với nhiều nước khác.

Vốn quen thuộc với điện thoại thông minh (smartphone), giới trẻ Hàn Quốc đang hoan ngênh xu hướng này. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), năm 2017, chỉ 20% hóa đơn mua hàng nói chung được thanh toán bằng tiền mặt.

Thậm chí, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc không muốn dùng thẻ thật nữa. Thay vào đó, họ sử dụng các dịch vụ thanh toán di động như Samsung Pay hay Kakao Pay để mua hàng hay đi các phương tiện công cộng. Các dịch vụ chuyển tiền di động được sử dụng phổ biến trong giới trẻ.

BoK cũng đứng sau xu hướng xóa bỏ tiền mặt khỏi thị trường, trong nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất tiền mới. Năm 2017, BoK đã phải chi 6,17 tỷ won (5,4 triệu USD) để thay thế tiền giấy và xu bị hư hỏng.

Theo “dự án xã hội không tiền mặt” mà BoK dẫn dắt, được phát động năm ngoái, người tiêu dùng có thể gửi các khoản tiền nhỏ thừa lại sau mỗi lần mua hàng vào các thẻ di động trả trước để có thể sử dụng sau đó tại các cửa hàng tiện ích hay trung tâm thương mại.

Nhìn từ phương diện toàn cầu, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất hướng đến một tương lai không tiền mặt. Thụy Điển là một người tiên phong trong xu hướng được gọi là “phi tiền tệ hóa” này. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng ở quốc gia Bắc Âu này đã giảm xuống còn 15% năm 2016, và các cửa hàng bán lẻ được phép từ chối tiền giấy.

Tại Thụy Điển, các phương tiện công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm cũng ngừng chấp nhận tiền xu, mà thay vào đó đã phát hành vé di động hay mã vạch, trong khi hơn 50% các ngân hàng thương mại không dự trữ tiền mặt.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu KB Research cho rằng một xã hội không tiền mặt sẽ minh bạch, an toàn, hiệu quả và tiện lợi hơn trong giao dịch và thanh toán. Đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, không thanh toán bằng tiền mặt góp phần cắt giảm thời gian giao dịch và giảm những hình thức tội phạm liên quan đến tiền mặt như trộm cắp và hóa đơn giả.

Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại về tính khả thi của việc loại bỏ hoàn toàn tiền mặt. Dù các giao dịch phi tiền mặt đang gia tăng nhanh chóng, tiền mặt vẫn là một nguồn thanh toán đáng tin cậy ngay cả ở Hàn Quốc, đặc biệt là đối với người già.

Theo kết quả khảo sát được thực hiện mới đây của BoK, tiền mặt là phương thức thanh toán được tin cậy nhất với 82,1 điểm, trong khi thẻ tín dụng được 78 điển và thẻ ghi nợ được 74,5 điểm. Năm ngoái, những người ở độ tuổi 60 và 70 thực hiện trung bình 15 giao dịch mua hàng bằng tiền mặt mỗi tháng, nhưng số lần thanh toán bằng thẻ tín dụng lại thấp hơn 10 lần.

Khảo sát của BoK còn cho biết người dân Hàn Quốc vẫn luôn có trung bình 80.000 won tiền mặt trong ví, và con số này còn lên đến 100.000 won đối với những người ở độ tuổi 50.

Bên cạnh đó, dù có nguy cơ ăn trộm tiền mặt thấp hơn, nhưng dữ liệu thanh toán điện tử có thể trở thành mục tiêu của các đợt tấn công và có thể dẫn tới việc rò rỉ dự liệu cá nhân.

Báo cáo của KB Research cho rằng cần phải có một lộ trình chi tiết để tiến đến một xã hội không tiền mặt, và phải cân nhắc việc có những đối tượng người dân ở những độ tuổi nhất định có nguy cơ bị “bỏ lại phía sau”, bên cạnh những nguy cơ khác như xâm phạm dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Yonhap)
Sập nhà trên phố cổ Hà Nội
Sập nhà trên phố cổ Hà Nội

Khoảng 15 giờ ngày 27/10, một căn nhà có địa chỉ tại số 32 đường Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bất ngờ đổ sập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN