Đây là lần thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ một đương kim Tổng thống bị Thượng viện xét xử luận tội. Tuy nhiên, lịch sử nước Mỹ cũng chưa từng chứng kiến một tổng thống Mỹ nào bị phế truất thông qua quá trình luận tội tại Quốc hội.
Mở đầu phiên xét xử, các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu tranh luận về các qui định xét xử tại Thượng viện.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer thông báo quá trình xét xử sẽ "hạn chế báo chí" và nhiều phóng viên chuyên trách thông tin về Quốc hội Mỹ sẽ không được tham gia.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, theo nghị quyết đề ra các qui định xét xử do ông đệ trình, các công tố viên đại diện cho Hạ viện và các luật sư bào chữa cho tổng thống sẽ có 3 ngày để trình bày các luận điểm của mình.
Mỗi ngày xét xử sẽ phải kết thúc vào khoảng 21 giờ theo giờ Bờ Đông của Mỹ, thay vì dự kiến kết thúc vào lúc 1h sáng như nội dung nghị quyết ban đầu.
Trước đó, ngày 15/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết gửi hai bản luận tội Tổng thống Donald Trump lên Thượng viện để xét xử. Đại diện của Hạ viện tham dự phiên xét xử của Thượng viện sẽ là 7 Hạ nghị sĩ với vai trò như các công tố viên, bao gồm Chủ tịch Ủy ban tình báo Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, Zoe Lofgren, Hakeem Jeffries, Jason Crow, Val Demings và Sylvia Garcia. Trong đó, ông Adam Schiff sẽ là người phụ trách nhóm.
Ngày 18/12/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump, gồm lạm dụng quyền lực nhằm gây sức ép đối với Ukraine để điều tra đối thủ chính trị tiềm năng của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội.
Ngày 16/1, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã tuyên thệ cương vị bồi thẩm tại phiên luận tội Tổng thống Trump. Tại lễ tuyên thệ trước Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts, người chủ trì phiên luận tội Tổng thống tại Thượng viện, các Thượng nghị sĩ đã cam kết "xét xử công bằng" đối với Tổng thống và từng Thượng nghị sĩ ký tên vào một cuốn sổ xác nhận lời tuyên thệ.
Ngày 20/1, các luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tranh luận rằng vụ án luận tội đối với ông là một sản phẩm của một thủ tục gian lận của đảng Dân chủ và "phải bị bác bỏ" tại phiên luận tội ở Thượng viện mà dự kiến sẽ được tiến hành một cách trang trọng vào ngày 21/1.
Một văn bản hành chính tóm lược các chỉ dẫn về các thủ tục tại Thượng viện trước phiên tòa xét xử ông Trump đã kêu gọi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát nhanh chóng tuyên bố trắng án đối với 2 điều khoản luận tội tổng thống do Hạ viện đang được đảng Dân chủ kiểm soát thông qua trước đó.
Trước đó, Nhà Trắng cũng lên tiếng chỉ trích động thái của đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện thúc đẩy cuộc xét xử luận tội Tổng thống Trump, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Tổng thống Trump đã cáo buộc phe Dân chủ đang theo đuổi một "cuộc đảo chính đảng phái bất hợp pháp" và tuyên chiến với nền dân chủ Mỹ. Trong bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 17/12, Tổng thống Trump lên án quá trình luận tội ông của đảng Dân chủ tại Hạ viện, cho rằng đây là sự lạm quyền chưa từng có và vi hiến.
Theo giới quan sát, kịch bản Thượng viện Mỹ tán thành nghị quyết luận tội của Hạ viện, qua đó buộc Tổng thống Trump phải rời Nhà Trắng trước thời hạn, là rất thấp vì hiện nay, phe Cộng hòa của ông Trump đang giữ đa số ghế (53) tại cơ quan lập pháp này.
Để kết tội Tổng thống Trump tại Thượng viện, phe Dân chủ cần phải có được thêm ít nhất 20 "phiếu phản bội đảng" các các nhà lập pháp Cộng hòa để có đủ một đa số phiếu ủng hộ (67 phiếu) và phế truất ông Trump. Trong quá trình xét xử, các Thượng nghị sĩ cũng có thể tiến hành một cuộc bỏ phiếu để kết thúc sớm phiên xét xử nếu có tối thiểu 51 phiếu thuận.
Qui trình luận tội Tổng thống Mỹ (Nguồn: The Guardian)