Thuốc viên điều trị COVID-19 sẽ sớm khẳng định vai trò trong cuộc chiến với đại dịch

Các công ty dược phẩm khổng lồ của Mỹ, Merck và Pfizer, đã công bố những kết quả đáng khích lệ đối với thuốc uống điều trị bệnh COVID-19. Trong khi đó, một loại thuốc chống trầm cảm cũng hứa hẹn mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thuốc Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck đã được phê duyệt sử dụng ở Anh. Ảnh: Merck / TNS

Theo hãng tin AFP, thuốc của Merck và Pfizer đều dùng theo đường uống, ngay sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh COVID-19, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng và cần nhập viện điều trị. Đây là phương pháp điều trị luôn được các nhà khoa học theo đuổi sau khi thế giới bắt đầu đối mặt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hồi năm ngoái.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, Merck và Pfizer lần lượt công bố đã đạt được những mục tiêu khó khăn này, một bước tiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Vào đầu tháng 10, Merck cho biết họ đang thúc đẩy giới chức Mỹ cấp phép cho thuốc viên Molnupiravir của mình. Hôm 5/11, Pfizer cũng có theo yêu cầu tương tự đối với thuốc Paxlovid do công ty này bào chế. Cả hai loại thuốc này đều có tác dụng làm suy yếu sự sinh sản của virus SARS-CoV-2, từ đó làm chậm đà diễn tiến của bệnh. Molnupiravir hoạt động bằng cách đưa các "viên gạch kiểu RNA" vào bộ gien của virus trong quá trình nó nhân lên, tạo ra vô số đột biến lỗi, làm gián đoạn quá trình nhân bản và tiêu diệt virus. Trong khi đó, Paxlovid ức chế protease trong cơ thể, loại enzyme mà virus cần để nhân lên.

Hai hãng dược phẩm cho biết các thử nghiệm lâm sàng đều cho thấy nguy cơ nhập viện giảm mạnh. Người sử dụng Molnupiravir giảm được 50% nguy cơ nhập viện và tử vong, trong khi hiệu quả của thuốc Paxlovid là 89%.

Chú thích ảnh
Thuốc Paxlovid do Pfizer bào chế Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil được công bố vào tháng 10 trên chuyên san Lancet Global Health, một loại thuốc trị trầm cảm đã có mặt trên thị trường là Fluvoxamine cũng chứng tỏ khả năng đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng ở COVID-19.

Nếu hiệu quả của những loại thuốc này được xác nhận, đây sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Cùng với vaccine, thuốc điều trị COVID-19 sẽ trở thành một “tấm khiên” trong “kho vũ khí” trị liệu COVID-19 của thế giới.

Trước khi thuốc viên xuất hiện, thế giới buộc phải dựa vào các phương pháp điều trị ở dạng kháng thể tổng hợp, chúng thường được sử dụng cho những người mắc bệnh nặng, thông qua đường tiêm tĩnh mạch và do đó khó sử dụng hơn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá nếu được cấp phép rộng rãi, thuốc trị COVID-19 có tiềm năng to lớn giúp chống lại đại dịch. Thuốc viên được cho là dễ sử dụng, sản xuất và bảo quản hơn so với vaccine, nên đặc biệt hữu ích tại những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi cơ sở hạ tầng và nguồn cung vaccine bị hạn chế.

Trên thực tế, trong khi vaccine COVID-19 giúp thay đổi tình hình dịch tại nhiều quốc gia thu nhập cao, thiếu hụt nguồn cung đã khiến những nước nghèo không kịp tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Ngay cả khi nhận được vaccine, một số nước vẫn gặp vấn đề trong khâu bảo quản, phân phối trước khi vaccine hết hạn.

Thuốc viên còn có khả năng được bệnh nhân khắp thế giới ưa chuộng hơn so với những phương pháp điều trị COVID-19 khác hiện nay. Tại Mỹ, biện pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng đang được sử dụng, nhưng cách này đòi hỏi các quy trình tiêm truyền tương đối phức tạp và tốn kém. Dạng thuốc viên còn có lợi thế hơn so với mũi tiêm khi xét đến những người bị chứng sợ kim tiêm. Một số chuyên gia cho rằng điều này nằm trong số những lý do ít được chú ý khiến nhiều người từ chối tiêm vaccine COVID-19.

Thuốc điều trị COVID-19 của Merck và Pfizer cho đến nay vẫn chưa cho thấy nhiều tác dụng phụ, yêu cầu dùng khoảng 10 liều trong 5 ngày.

Nhà virus học người Anh Stephen Griffin chia sẻ với Science Media Center: “Sự thành công của những loại thuốc kháng virus này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, thời điểm mà chúng ta có thể ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2”.

Chú thích ảnh
Thuốc kháng virus của Công ty dược phẩm Merck. Ảnh: AP

Cho đến nay, vẫn chưa thể để đánh giá cụ thể hiệu quả các liệu pháp điều trị của Merck và Pfizer, vì kết quả nghiên cứu của hai loại thuốc này đều chỉ dựa trên các tuyên bố của nhà sản xuất. Họ cũng chưa cung cấp dữ liệu về các thử nghiệm lâm sàng.

Vào tháng 9, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Pháp, Karine Lacombe, đã cảnh báo rằng nên “thận trọng” với những tuyên bố của các hãng dược phẩm này cho đến khi các nghiên cứu được xem xét kỹ lưỡng. Song bà chỉ ra rằng những phương pháp điều trị này đại diện cho một thị trường “tiềm năng to lớn” đối với các nhà sản xuất dược phẩm.

Tuy nhiên, đã có một số bằng chứng chỉ ra rằng Merck và Pfizer không đưa ra những lời hứa suông. Cả hai đều dừng thử nghiệm lâm sàng sớm hơn dự kiến vì thu được kết quả rất tốt, với sự đồng thuận của các ủy ban giám sát độc lập.

Thuốc Molnupiravir của Merck đã được phê duyệt ở Vương quốc Anh. Hôm 4/11, các cơ quan y tế đã “bật đèn xanh” cho việc sử dụng Molnupiravir ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như người cao tuổi, người béo phì hoặc những người mắc bệnh tiểu đường.

Các cơ quan y tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang khẩn trương xem xét loại thuốc này. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình thẩm định liệu pháp này, song chưa đưa ra thời điểm cụ thể.

Đến nay, một số quốc gia đã đặt hàng Molnupiravir, chẳng hạn như Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD với 1,7 triệu liều, tương đương với khoảng 700 USD cho một liệu trình 5 ngày. Tuy nhiên, giá thuốc có thể giảm xuống 20 USD/liệu trình sau khi Merck ký thỏa thuận chia sẻ công thức thuốc, cho phép các nước nghèo của thế giới có thể tiếp cận thuốc trị COVID-19 giá rẻ.

Còn đối với Pfizer, mặc dù chưa đưa ra mức giá cho Paxlovid, nhưng nhà sản xuất cam kết sẽ cung cấp nó với mức giá “phải chăng” và tuân theo phương pháp định giá theo từng cấp độ, dựa trên mức thu nhập của các quốc gia.

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc khẳng định tiếp tục chính sách 'Zero COVID-19'
Trung Quốc khẳng định tiếp tục chính sách 'Zero COVID-19'

Giới chức y tế Trung Quốc ngày 6/11 tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID-19” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là “tuân thủ theo khoa học”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN