Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hai nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết phái đoàn thương mại Ấn Độ, do trưởng đoàn đàm phán Rajesh Agrawal dẫn đầu, đã trở về từ Washington sau vòng đàm phán thứ năm, mà không đạt được đột phá nào. Khả năng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn là rất thấp, dù các cuộc trao đổi trực tuyến vẫn tiếp tục.
Phái đoàn Mỹ dự kiến sẽ sớm tới New Delhi để tiếp tục đàm phán, nhưng khác biệt giữa hai bên vẫn còn lớn. Washington muốn New Delhi mở cửa hơn cho nông sản, trong khi Ấn Độ kêu gọi Mỹ giảm thuế với thép, nhôm và ô tô. Một số quan chức Ấn Độ cho rằng những vấn đề khác có thể được lùi lại để mở đường cho một thỏa thuận tạm thời.
Trước đó vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dọa áp thuế 26% với hàng hóa Ấn Độ, nhưng đã tạm dừng nhằm tạo điều kiện đàm phán. Dù Ấn Độ chưa nhận được thông báo áp thuế chính thức từ phía Mỹ, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/8, song giới doanh nghiệp Ấn Độ, đặc biệt trong các ngành đá quý và trang sức, lo ngại thiệt hại lớn nếu thuế được áp dụng.
Trong khi đó, Indonesia đã đạt bước tiến đáng kể trong quan hệ thương mại với Mỹ. Quỹ đầu tư quốc gia Danantara của Indonesia dự kiến ký hợp đồng trị giá 8 tỷ USD với công ty kỹ thuật Mỹ KBR Inc để xây dựng 17 nhà máy lọc dầu mô-đun. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ hiệp định thương mại giữa hai nước vừa ký tuần trước, qua đó giúp giảm thuế suất dự kiến của Mỹ từ 32% xuống 19%.
Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Friedrich Merz ngày 22/7 cho biết Mỹ hiện chưa sẵn sàng ký thỏa thuận thuế quan đối ứng với Liên minh châu Âu (EU), bất chấp nỗ lực của Brussels. Ông nhấn mạnh EU muốn thúc đẩy thị trường mở cửa và đang đàm phán khẩn trương thông qua Ủy ban châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế mới 30% với EU từ ngày 1/8, bên cạnh thuế theo ngành là 10%. Trong trường hợp đàm phán thất bại, EU đã chuẩn bị danh sách các mặt hàng Mỹ, trị giá khoảng 72 tỷ euro (84 tỷ USD), có thể bị áp thuế đáp trả.