Trước đó, trong trận thi đấu đầu tiên giữa đội khúc côn cầu liên Triều với đội tuyển Thụy Sĩ diễn ra ngày 10/2, nhóm nữ cổ động viên Triều Tiên mặc bộ trang phục đỏ rực, đội mũ len trắng, đồng đều ca vang lời bài hát và đeo một chiếc mặt nạ in khuôn mặt một người đàn ông trẻ.
Video màn cổ vũ đeo mặt nạ gây tranh cãi:
Một tờ báo địa phương sau khi bắt được hình ảnh này đã viết thông tin cho rằng chiếc mặt nạ mang khuôn mặt của người sáng lập Triều Tiên khi ông còn trẻ. Bài viết này đã chỉ trích phía Triều Tiên lợi dụng sự kiện Olympic để tuyên truyền.
Tuy nhiên, ngay lập tức, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã bác bỏ và cho rằng thông tin trong bài viết là sai sự thực.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời tuyên bố chính thức từ Bộ này khẳng định: “Sau khi kiểm tra với một quan chức Triều Tiên ngay tại hiện trường, họ xác nhận không có bất kỳ ẩn ý gì sau lớp mặt nạ kia, như những gì viết trong bài báo”.
Không có ẩn ý gì sau khuôn mặt "điển trai" của một người đàn ông bình thường. Ảnh: Yonhap |
Khuôn mặt trên chiếc mặt nạ kia chỉ là hình ảnh một người đàn ông điển trai và nó được các nữ cổ động viên Triều Tiên đeo khi hát vang bài "Whistle," – có ca từ về tình yêu không được đáp lại của một người đàn ông dành cho cô hàng xóm.
Trước đó, vào ngày 7/2, ít nhất 300 nữ cổ động viên Triều Tiên xinh đẹp đã tới Hàn Quốc, đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên sau 13 năm trên đất nước láng giềng phương nam. Triều Tiên tuyển chọn các thành viên cho đội cổ vũ dựa trên các tiêu chí kiểm tra sơ yếu lí lịch, ngoại hình, kỹ năng và lòng trung thành với chính quyền. Các nữ cổ động viên Triều Tiên đều có ngoại hình xinh đẹp, rạng rỡ và trình diễn đồng đều, bắt mắt.