BBC và Reuters dẫn lời một nghị sĩ cấp cao giấu tên trong Đảng Bảo thủ cho biết Thủ tướng May đã thông báo với các nghị sĩ đảng này rằng bà sẽ từ chức nếu như thỏa thuận Brexit được Hạ viện phê chuẩn, qua đó để người kế nhiệm tiếp tục đảm nhận tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Bà không nói rõ chính xác thời điểm có thể ra đi, song một nghị sĩ khác trong đảng cho hay “ngày từ chức sẽ diễn ra sớm”.
Hãng tin CNBC dẫn lời Thủ tướng May nêu rõ: “Tôi sẵn sàng rời nhiệm sở sớm hơn dự kiến nhằm đảm bảo một tiến trình Brexit thuận lợi và diễn ra trong trật tự”. Tuyên bố được đưa ra tại cuộc gặp nhóm các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Bảo thủ, được gọi là “Ủy ban 1922”. Động thái này được coi nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục các nghị sỹ phản đối trong Đảng Bảo thủ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đã theo đuổi hơn 2 năm qua.
Trước đó, kênh truyền hình ITV đưa tin Thủ tướng May hôm 24/3 cũng tuyên bố với các nghị sĩ ủng hộ Brexit rằng bà sẽ từ chức nếu họ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận ly hôn với EU, vốn 2 lần bị Hạ viện bác bỏ trước đó. Theo nhà báo chuyên theo dõi chính trị Robert Peston của ITV, bà May đã thông báo ý định này ông Boris Johnson, Iain Duncan Smith, Steve Baker, Jacob Rees-Mogg, David Davis và một số người khác tại tư dinh ở quê nhà Chequers.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình Sky News ngày 25/3, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh Amber Rudd cho rằng Thủ tướng May không nên từ chức trước sự chỉ trích từ chính đảng Bảo thủ của bà về cách bà xử lý vấn đề Brexit. Bà Rudd nhấn mạnh: "Tôi nghĩ Thủ tướng đang làm điều đúng đắn, nghĩ về lợi ích quốc gia, về đất nước này và nỗ lực chấm dứt tình trạng hỗn loạn hiện nay bằng cách để thỏa thuận được thông qua". Theo bà Rudd, Thủ tướng May vẫn đang nỗ lực để thỏa thuận Brexit của bà được Hạ viện thông qua trong tuần này.
Cùng ngày, phát biểu trên đài phát thanh BBC, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox tuyên bố Anh có thể không rời EU nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không được Hạ viện thông qua trong lần bỏ phiếu tới và sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng. Ông Fox nói: "Chúng tôi hoặc rời EU với một thỏa thuận, hoặc không có thỏa thuận, điều này có thể xảy ra, nhưng tôi nghĩ Hạ viện sẽ không để kịch bản đó xảy ra, hoặc chúng tôi không rời khỏi những gì mà tôi nghĩ sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng dân chủ cũng như Hiến pháp".
Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh RTL, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và thuế Pierre Moscovici thể hiện tin tưởng rằng Anh sẽ không rời "mái nhà chung" EU mà không có một thỏa thuận.
Trong diễn biến mới nhất, tại cuộc bỏ phiếu cuối ngày 27/3, các nghị sĩ Anh đã tiến hành thảo luận về 8 đề xuất mới cho tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng không một đề xuất nào được thông qua.
Các đề xuất trên được Chủ tịch Hạ viện John Bercow lựa chọn đưa ra lấy ý kiến của các nghị sĩ, trong đó có đề xuất Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/4, thành lập Liên minh thuế quan với EU, lập thị trường chung phiên bản 2.0 với sắp đặt khác thay thế cho điều khoản chốt chặn Ireland, hay tìm kiếm sự nhất trí với EU về những sắp xếp thương mại ưu đãi trong trường hợp Anh không thể thực hiện thỏa thuận rút khỏi EU.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu tại Hạ viện, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit Stephen Barclay cho rằng thỏa thuận rút khỏi EU của Thủ tướng May vẫn là lựa chọn tốt nhất. Việc Hạ viện Anh không thể bỏ phiếu thông qua các lựa chọn khác cho thấy tìm kiếm một phương án thay thế cho thỏa thuận Brexit hiện nay sẽ không hề dễ dàng.
Theo một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ, Oliver Letwin, Thủ tướng May sẽ có thể đưa thỏa thuận Brexit của mình ra bỏ phiếu vào ngày 28 hoặc 29/3. Nếu thỏa thuận vẫn không được thông qua, các nghị sĩ sẽ lại bỏ phiếu vào ngày 1/4 để tìm một trong các lựa chọn được đa số chấp thuận. Các lãnh đạo EU đã gia hạn đến ngày 12/4 để Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit của bà May, hoặc tìm một lối đi mới.
Thất bại của hai khả năng này sẽ dẫn tới một cuộc "ly hôn" không thỏa thuận, làm rối loạn thương mại ở hai bờ eo biển Manche và khiến đồng bảng Anh chao đảo. Anh cũng có thể tìm kiếm một sự gia hạn trong thời gian dài hơn, nhưng trường hợp này sẽ khiến người Anh phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trong khi họ lẽ ra đã rời EU hai tháng trước đó.
Thủ tướng May, đang đối mặt với áp lực từ chức ngày càng tăng, lên cầm quyền tháng 7/2016 thay cựu Thủ tướng David Cameron và là nữ thủ tướng thứ 2 của "xứ sở sương mù" sau bà Margaret Thatcher. Bà May khởi động tiến trình nước Anh rời khỏi EU, kịch hoạt Điều khoản 50 vào tháng 3/2017. Trong hơn 2 năm thúc đẩy Brexit, bà May đã chứng kiến 29 bộ trưởng từ chức, con số chưa từng có trong lịch sử.