Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 27 ở Tokyo (FOA 2022), Thủ tướng Ismail Sabri nói: “Hãy nhìn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các loại thuế phân biệt đối xử và giờ là khả năng chuỗi cung ứng bị chia tách đang gây ra tác động tiêu cực trên toàn thế giới”.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Ismail Sabri, cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra áp lực lên nguồn cung thực phẩm toàn cầu, tạo ra mối đe dọa cho các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh mặc dù các tập đoàn lớn và các cường quốc đang lo ngại về nguồn cung vật liệu bán dẫn nhưng đó không phải là quan ngại đối với dân thường vốn đang phải đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt leo thang và thiếu hụt lương thực, hàng hóa.
Thủ tướng Ismail Sabri cảnh báo Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh “không có quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình”, ông kêu gọi châu Á và các đối tác toàn cầu cần hợp tác với nhau để giải quyết thách thức chung là biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trong bài phát biểu đã được ghi âm sẵn gửi tới Hội nghị, Tổng thống Rajapaksa cho biết một vài tháng qua là giai đoạn “cực kỳ khó khăn” đối với Sri Lanka. Hiện nay, Sri Lanka đang trải qua khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có tác động sâu sắc tới đời sống của tất cả người dân Sri Lanka và đang dẫn tới bất ổn xã hội.
Ông khẩn thiết yêu cầu sự giúp đỡ của các bạn bè trong cộng đồng quốc tế để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của Sri Lanka.
Tổng thống Rajapaksa cũng nhấn mạnh an ninh lương thực là “một vấn đề phổ biến” mà nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt. Ông cảnh báo “tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm và giá cả lương thực tăng cao có thể xảy ra trong một vài tháng tới sẽ gây ra tình trạng căng thẳng đáng kể ở nhiều quốc gia”.