Thủ tướng Lý Hiển Long: Singapore mất ít nhất 3 tháng nữa để đạt 'bình thường mới'

Phát biểu trước toàn quốc ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore sẽ mất từ 3-6 tháng nữa để đạt trạng thái “bình thường mới”, dù đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Người dân ngồi ăn trong các nhà hàng "giãn cách" ở Singapore ngày 21/9/2021. Ảnh: Reuters 

Theo trang CNA, trong bài phát biểu toàn quốc về tình hình đại dịch COVID-19, người đứng đầu chính phủ Singapore cho biết đảo quốc sư tử sẽ mất ít nhất 3 tháng, và có thể kéo dài tới 6 tháng, để đạt được bình thường mới. 

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, bình thường mới là khi Singapore có thể xoá bỏ các hạn chế và chỉ áp dụng các biện pháp quản lý an toàn “nhẹ”, với số ca nhiễm ổn định ở mức “có lẽ là vài trăm ca một ngày, nhưng không tăng”.

Trong giai đoạn này, các bệnh viện cũng sẽ hoạt động trở lại "như bình thường", người dân có thể tiếp tục các hoạt động như trước đại dịch, tham gia các đám đông mà "không lo lắng hay cảm thấy bất an".

“Một vài quốc gia đã đạt được trạng thái này, ví dụ như ở châu Âu. Nhưng họ đã phải trả giá đắt, mất nhiều sinh mạng trên đường đi” - ông Lý Hiển Long nói - “Chúng ta sẽ mất ít nhất 3 tháng, và có lẽ lâu nhất là 6 tháng để có được trạng thái bình thường mới”.

Thừa nhận rằng vài tháng tới sẽ là giai đoạn "cố gắng", Thủ tướng Singapore nói rằng ông hy vọng ca nhiễm sẽ chững lại và giảm trong vòng một tháng hoặc hơn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu về tình hình đại dịch COVID-19 ngày 9/10/2021. Ảnh: CNA

“Khi áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe giảm bớt, chúng ta có thể nới lỏng các hạn chế. Nhưng chúng ta sẽ phải làm như vậy một cách thận trọng, để tránh gây ra làn sóng mới một lần nữa”, nhà lãnh đạo nói và nhấn mạnh: “Chúng ta phải bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe và người lao động của mình bằng mọi giá, để vượt qua đại dịch một cách an toàn”.

Từ "Zero COVID" sang “sống chung với COVID”

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan mạnh đã làm đảo lộn tình hình tại Singapore. Ông nói: “Ngay cả khi toàn bộ dân số đã được tiêm phòng, chúng ta vẫn sẽ không dập tắt được dịch bệnh này thông qua đóng cửa và các biện pháp quản lý an toàn. Hầu hết mọi quốc gia đã chấp nhận thực tế này”.

Vị Thủ tướng bổ sung, ngay cả với các biện pháp quản lý an toàn nghiêm ngặt để ngăn chặn ca nhiễm COVID-19, virus sẽ lây lan nhanh chóng một lần nữa khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp. “Điều này đặc biệt đúng ở Singapore, vì chiến lược ‘Zero COVID’ của chúng ta”.

Ông Lý Hiển Long giải thích, chiến lược "Zero COVID" đồng nghĩa hầu hết dân số chưa bao giờ bị nhiễm COVID-19, khiến khả năng miễn dịch tự nhiên của dân số Singapore thấp.

Ngoài ra, những người được tiêm chủng vẫn có “một số nguy cơ” bị nhiễm virus. Ông khẳng định, mặc dù đất nước phải chuẩn bị tinh thần để chứng kiến nhiều ca nhiễm COVID-19 “trong một thời gian tới”, nhưng Singapore không thể bị đóng cửa vô thời hạn.

Chú thích ảnh
Vị trí đánh dấu giãn cách tại một không gian công cộng ở Singapore. Ảnh: Reuters

Thảo luận về chiến lược “Zero COVID”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng cách tiếp cận ban đầu của Chính phủ là ngăn chặn người Singapore tiếp xúc với COVID-19 càng nhiều càng tốt. Cách tiếp cận này là do khi đó thế giới vẫn chưa nắm được nhiều hiểu biết về bản chất của virus. Ngoài ra, kinh nghiệm của Singapore trong đối phó Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) đã giúp xây dựng chiến lược cho COVID-19.

Ông nói: “'Zero COVID' là chiến lược đúng đắn vào thời điểm đó. Người dân của chúng ta chưa được tiêm phòng. Mọi người có ít hoặc không có miễn dịch chống lại COVID-19. Hậu quả của việc nhiễm virus là rất nghiêm trọng ”.

Cách tiếp cận này đã giúp đất nước tránh được "thiệt hại lớn về người", khiến Singapore là "một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới".

Tuy nhiên, Singapore cũng đã lên kế hoạch trước và đảm bảo nguồn cung cấp vaccine, điều mà Thủ tướng Lý Hiển Long mô tả là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Ông nói: “Chương trình quốc gia của chúng ta về tiêm chủng cho tất cả mọi người đã rất thành công”,  Singapore là “một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới” với gần 85%.

Theo Thủ tướng, việc tiêm phòng "làm giảm mạnh" nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19, với hơn 98% trường hợp lây nhiễm địa phương có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Chú thích ảnh
 Người dân Singapore đeo khẩu trang trên đường Orchard ngày 22/7/2021. Ảnh: CNA 

“Nói cách khác, với việc tiêm phòng, COVID-19 không còn là một căn bệnh nguy hiểm đối với hầu hết chúng ta”, ông Lý Hiển Long khẳng định.

Nhà lãnh đạo cũng lạc quan cho rằng, trong khi cuộc chiến chống COVID-19 vẫn tiếp diễn, Singapore đang ở “vị trí tốt hơn nhiều”. “Đôi khi ta có thể cảm thấy không thoải mái, nhưng chúng ta đang đạt tiến bộ ổn định theo hướng bình thường mới,” ông nói.

Tuy nhiên, vị Thủ tướng cũng lưu ý rằng có thể có những đợt gia tăng ca nhiễm trong tương lai, đặc biệt nếu các biến thể mới xuất hiện. “Chúng ta có thể sẽ phải ‘phanh gấp’ nếu các ca bệnh lại tăng quá nhanh, để bảo vệ hệ thống y tế và nhân viên y tế. Nhưng chúng ta sẽ có thể đối phó tốt hơn với những đợt gia tăng trong tương lai”.

Ông kêu gọi người dân Singapore bảo vệ các bệnh viện và nhân viên y tế, kêu gọi mọi người nên tiêm phòng và tiêm nhắc lại, thường xuyên tự kiểm tra bản thân và để người nhiễm virus có thể tự phục hồi tại nhà trừ khi họ mắc bệnh nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nhà lãnh đạo kêu gọi: “Xin đừng vội đến phòng cấp cứu với các triệu chứng nhẹ. Hãy để chúng tôi dành bệnh viện cho những người cần nó nhất - những trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng cũng như những người khác mắc bệnh hiểm nghèo”. “Với sự hợp tác của mọi người, chúng ta  hy vọng sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch. Chúng ta có các nguồn lực, sự quyết tâm và can đảm để vượt qua cuộc khủng hoảng này… Hãy giữ vững điều đó và tiếp tục nỗ lực cùng nhau để hoàn thành hành trình hướng tới phục hồi sau COVID”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Người Nga đổ xô đến Serbia tiêm vaccine COVID-19 ngoại
Người Nga đổ xô đến Serbia tiêm vaccine COVID-19 ngoại

Vaccine Sputnik V của Nga đã được sử dụng ở 70 quốc gia trên thế giới nhưng chưa được WHO phê duyệt toàn cầu. Và đó là một trở ngại với những công dân Nga muốn đến châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN