Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin trên báo Spiegel cho biết trong cuộc trao đổi, Thủ tướng Merkel và ông Sahin đã đề cập tới vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và việc phối hợp giữa Chính phủ liên bang và BioNTech nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Theo các nguồn thạo tin, mục đích của việc hợp tác không chỉ nhằm hỗ trợ một lần và ngắn hạn, mà là xây dựng nguồn cung bền vững, kể cả với những đại dịch khác xảy ra trong tương lai.
Cuộc trao đổi trên được tiến hành một ngày sau khi Mỹ bất ngờ tuyên bố ủng hộ việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cả Thủ tướng Merkel và ông Sahin đều phản đối ý tưởng này. Trong một tuyên bố liên quan tối 6/5, một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết Berlin phản đối kế hoạch đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ, nhấn mạnh rằng "việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và tương lai cũng phải đảm bảo như vậy".
Theo người phát ngôn, yếu tố còn hạn chế trong việc sản xuất vaccine chính là "năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không phải quyền sáng chế". Chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để có thể đẩy mạnh năng lực sản xuất ở Đức, trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như trên toàn thế giới nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho tất cả các nước trên thế giới.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Đức (VAP), Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Sahin cũng cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách đúng đắn để đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh điều quan trọng là vaccine sản xuất tại EU phải được xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới, đồng thời cho biết BioNTech đang đẩy mạnh sản xuất vaccine dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác tiềm năng được lựa chọn nhằm đảm bảo chất lượng vaccine.
Hiện đã có trên 100 nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ sáng kiến của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này về việc đàm phán hướng tới loại bỏ các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Mục tiêu của sáng kiến này là giúp nhiều công ty dược phẩm tại nhiều nước có thể cùng sản xuất vaccine để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thế giới, đặc biệt với những nước nghèo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi vấn đề mấu chốt để có thể sản xuất vaccine không phải là công thức bào chế, mà là nguyên liệu, nhà máy và mạng lưới phân phối.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, Quốc hội Đức ngày 6/5 đã thông qua kế hoạch nới lỏng một số hạn chế đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và những người đã khỏi bệnh. Hội đồng liên bang Đức dự kiến phê chuẩn quy định này trong ngày 7/5 để có hiệu lực ngay từ cuối tuần. Theo quy định mới, những người đã tiêm đủ liều và những người đã khỏi bệnh có thể gặp gỡ không hạn chế số người. Quy định này sẽ là tin vui với rất nhiều người cao tuổi đã tiêm đủ liều vaccine.
Những người này cho tới nay vẫn phải sinh hoạt và ăn uống một mình trong phòng mà không thể cùng chung vui với những người khác cùng ở các viện dưỡng lão. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại (kể cả lệnh giới nghiêm ban đêm) hay cách ly với những người này cũng sẽ được dỡ bỏ, những người đã tiêm đủ liều vaccine có thể dễ dàng đi mua bán hoặc tới tiệm làm tóc mà không cần phải xét nghiệm trước. Tuy nhiên, họ vẫn phải giữ quy định về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Theo một cuộc thăm dò, có 55% số người Đức được hỏi ủng hộ việc nới lỏng các hạn chế với những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh. Tính đến ngày 6/5, Đức đã tiêm được ít nhất một mũi vaccine cho 30,6% dân số, trong khi 8,6% đã được tiêm đủ liều.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo nước này sẽ mở rộng đối tượng được tiêm chủng, theo đó cho phép tất cả người trưởng thành thuộc mọi lứa tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Động thái này đảo ngược một quyết định trước đó hạn chế tiêm loại vaccine này cho nhóm người trên 60 tuổi.
Bộ trưởng Spahn cũng cho biết Đức dự kiến cung cấp một loại vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng trong độ tuổi 12-18 vào trước cuối tháng 8 tới, nếu các cơ quan quản lý cấp phép cho sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech đối với nhóm tuổi đó.
Theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối 6/5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và 253 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức còn 285.789 người nhiễm bệnh. Tổng số ca nhiễm bệnh kể từ đầu dịch đến nay là 3,48 triệu ca và 84.209 ca tử vong.