Thủ tướng Đức thăm Hy Lạp trong điều kiện an ninh thắt chặt

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9/10 tới Hy Lạp trong chuyến thăm chớp nhoáng kéo dài 6 giờ để tiến hành hội đàm với ban lãnh đạo quốc gia Nam Âu đang ngấp nghé bờ vực phá sản này trong điều kiện an ninh được thắt chặt. Chuyến thăm này của bà Merkel được giới phân tích cho là nhằm bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực cải cách tài chính của chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras.

Gần 7.000 nhân viên lực lượng an ninh, trong đó có cả các tay súng bắn tỉa và thợ lặn, được huy động bảo đảm an ninh cho Thủ tướng Đức. Các tuyến đường mà đoàn xe của Thủ tướng Merkel đi từ sân bay tới trung tâm thủ đô Athens được phong toả, trong khi khách sạn mà bà Merkel cùng đoàn tuỳ tùng lưu trú trong vài giờ biến thành một pháo đài thực sự.

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm, tuy ngắn ngủi của Thủ tướng Đức, sẽ có ý nghĩa tích cực đối với việc củng cố các mối quan hệ truyền thống giữa hai nước và sẽ là một bước tiến quan trọng nữa đối với việc thông qua các quyết định của châu Âu trong tương lai.

Theo giới phân tích, chuyến thăm Hy Lạp lần này của Thủ tướng Merkel sẽ giúp Athens nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro từ các nhà cho vay quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng 11 tới đây. Bất chấp các cuộc đàm phán tích cực với "bộ ba" chủ nợ quốc tế hồi tuần trước, các bên hiện vẫn chưa thoả thuận được điều kiện giải ngân khoản tiền nói trên.


Người dân Hy Lạp xuống đường biểu tình tại thủ đô Athens, phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" và giăng các tấm băng-rôn cảnh báo Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng bà không được hoan nghênh tại Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN



Dự kiến trong chuyến thăm này, Thủ tướng Merkel sẽ bày tỏ ủng hộ việc Hy Lạp tiếp tục tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khích lệ những biện pháp mà chính phủ Hy Lạp thông qua theo hướng này cũng như kêu gọi người dân Hy Lạp thực thi những điều kiện bổ sung để nước này có thể nhận được khoản tín dụng trị giá 31,5 tỷ euro có tầm quan trọng sống còn đối với đất nước đang ngập trong nợ nần này.

Về phần mình, Hy Lạp cũng mong muốn thuyết phục bà Merkel cho Athens thêm thời gian để cân bằng ngân sách và tìm cách giảm gánh nặng nợ công mà nước này đang phải oằn mình gánh chịu. Athens đang nỗ lực nhằm giảm "núi" nợ công lên tới 169,5% GDP (340,6 tỷ euro) hiện nay xuống còn 120% GDP vào năm 2020.

Trong khi đó, những người dân Hy Lạp bình thường và thủ lĩnh các đảng phái đối lập lại tranh thủ chuyến thăm của Thủ tướng Đức để cảnh báo với thế giới những khó khăn chồng chất mà người Hy Lạp và đất nước Nam Âu này đang phải gánh chịu.

Khoảng 8.000 người ngày 8/10 đã xuống đường biểu tình, hô vang các khẩu hiệu phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" và giăng các tấm băng rôn cảnh báo Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng bà không được hoan nghênh tại Hy Lạp.

Được tổ chức bởi các công đoàn trong khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân như GSEE, ADEDY cũng như PАМЕ, bất bình với chính sách cắt giảm lương và quyền lợi trong kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" kéo dài 3 năm của Chính phủ Hy Lạp, cuộc biểu tình này diễn ra trước khi Thủ tướng Merkel thông báo sẽ tới thăm Hy Lạp nhằm bày tỏ ủng hộ các nỗ lực cải cách tài chính của chính quyền Athens, cuộc cải cách mà nhiều người Hy Lạp chỉ trích là nguyên nhân dẫn tới cảnh khốn cùng hiện nay của đất nước.



TTXVN/Tin tức

Hy Lạp sẽ “cháy túi” vào tháng tới
Hy Lạp sẽ “cháy túi” vào tháng tới

Ngày 5/10, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras thừa nhận người dân nước này không thể chấp nhận thêm các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, đồng thời cảnh báo đất nước đang bị nợ công tàn phá này sẽ cạn sạch tiền vào tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN