Đây là nỗ lực cuối cùng của ông nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và hy vọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Scholz, 66 tuổi, đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà dự báo ông sẽ thất bại, mở đường cho việc giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Trong khi đó, ông Friedrich Merz, 69 tuổi, ứng cử viên hàng đầu của liên minh đối lập CDU-CSU, đang dẫn trước ông Scholz trong các cuộc thăm dò dư luận.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz hiện nắm giữ 207 ghế trong Hạ viện và dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông. Tuy nhiên, đảng Xanh – đối tác liên minh có 117 ghế – đã lên kế hoạch bỏ phiếu trắng. Điều này khiến ông Scholz không đạt được đa số 367 ghế trong tổng số 733 ghế cần thiết để vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Dự kiến Hạ viện sẽ bỏ phiếu lúc 13 giờ ngày 16/12 (giờ địa phương).
Nếu Thủ tướng Scholz thất bại, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ quyết định có giải tán Hạ viện hay không. Ông Steinmeier từng tuyên bố vào tháng trước rằng đất nước này cần một đa số ổn định và một chính phủ có khả năng hành động. Tổng thống có 21 ngày để đưa ra quyết định và nếu Hạ viện bị giải tán, một cuộc bầu cử mới sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Thực tế, các chiến dịch tranh cử đã sớm bắt đầu.
Khi chính thức yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần trước, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng cử tri sẽ quyết định trong cuộc bầu cử sắp tới cách Đức giải quyết những thách thức lớn hiện nay. Ông liệt kê các ưu tiên như đầu tư vào tương lai, bảo đảm việc làm, hiện đại hóa ngành công nghiệp, giữ mức lương hưu ổn định và hướng tới hòa bình công bằng tại Ukraine mà không kéo Đức vào cuộc chiến.
Đức hiện là nhà cung cấp quân sự lớn nhất của Ukraine tại châu Âu, nhưng ông Scholz vẫn từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus vì lo ngại leo thang xung đột với Nga.
Trong khi đó, ứng cử viên trung hữu Friedrich Merz, người đứng đầu liên minh CDU-CSU, dự đoán chiến dịch bầu cử lần này sẽ là một trong những cuộc đua khốc liệt nhất lịch sử hiện đại của Đức. Ông Merz cho rằng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế là yếu tố tiên quyết để giải quyết các vấn đề khác.
Đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD), đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò, đã đề cử Alice Weidel làm ứng cử viên thủ tướng. Tuy nhiên, các đảng lớn đều từ chối hợp tác với AfD.
Cuộc khủng hoảng chính trị của Đức diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang vật lộn để khôi phục lĩnh vực công nghiệp dựa vào xuất khẩu, vốn chịu tác động nặng nề từ giá năng lượng cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Berlin còn đối mặt với các thách thức địa chính trị lớn, từ cuộc xung đột tại Ukraine đến việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, đe dọa sự ổn định của NATO và các mối quan hệ thương mại.
Bỏ phiếu tín nhiệm rất hiếm khi xảy ra tại Đức – quốc gia coi trọng sự ổn định chính trị. Đây mới chỉ là lần thứ sáu trong lịch sử hậu chiến, một thủ tướng triệu tập cuộc bỏ phiếu như vậy. Lần gần nhất là năm 2005, khi cựu Thủ tướng Gerhard Schröder tổ chức bầu cử sớm và thất bại trước bà Angela Merkel với cách biệt sít sao.
Ông Claire Demesmay, nhà khoa học chính trị tại Sciences Po Paris, nhận định: “Mô hình kinh tế của Đức đang gặp khủng hoảng”. Đức từng thịnh vượng nhờ nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, chính sách an ninh dựa vào Mỹ và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những yếu tố này giờ đây đang thay đổi, gây ra sự bất an trong xã hội và làm gia tăng căng thẳng chính trị.
Cuộc bầu cử sắp tới không chỉ là cuộc chiến giành quyền lực, mà còn phản ánh những hoài nghi sâu sắc về tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.