Thủ tướng Đức điện đàm với lãnh đạo Nga, Mỹ về Ukraine

Theo thông cáo gửi từ Cục thông tin báo chí Chính phủ Đức tối 2/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về những diễn biến căng thẳng tại Ukraine.


Tại cuộc điện đàm, bà Merkel chỉ trích Tổng thống Putin vi phạm luật pháp quốc tế với hành động can thiệp quân sự không thể chấp nhận được của nước này vào Crimea, đi ngược lại Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994, theo đó Nga có trách nhiệm tôn trọng sự độc lập và toàn vẹn của Ukraine cũng như các đường biên giới của nước này.


Bà Merkel cũng nêu rõ hành động của Nga đã trái với Hiệp ước về Hạm đội Hắc Hải năm 1997, kêu gọi Tổng thống Putin tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Putin đã chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Merkel về việc ngay lập tức thành lập một "phái bộ tìm hiểu sự thật" cũng như một nhóm tiếp xúc, có thể dưới sự chỉ đạo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm khởi động tiến trình đối thoại chính trị.


Angela Merkel kêu gọi Tổng thống Putin tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.


Tuy nhiên, báo "Thế giới" của Đức tối 2/3 dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho biết, tại cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Nga vẫn cương quyết bảo vệ khả năng can thiệp quân sự của nước này vào Ukraine, cho rằng những diễn biến ở Bán đảo Crimea cũng như ở Ukraine là mối nguy hiểm đối với tính mạng các công dân Nga và người dân nói tiếng Nga. Theo ông Putin, những động thái cho tới nay của Nga đối với Ukraine là phù hợp, với mục đích nhằm ổn định tình hình theo hướng hoà bình.


Cuộc điện đàm trên được thực hiện sau khi các lãnh đạo phương Tây đe doạ áp đặt trừng phạt Nga, thậm chí có thông tin còn đòi loại Nga ra khỏi nhóm G8 vì hành động triển khai binh sĩ vào lãnh thổ Ukraine. Liên quan vấn đề này, Đức đã lên tiếng bày tỏ phản đối việc loại Nga khỏi G8 và kêu gọi các nước thành viên cân nhắc lại.


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói trên kênh truyền hình ARD: "Mô hình G8 thực sự là cách duy nhát mà chúng ta, những nước phương Tây, có thể đối thoại trực tiếp với Nga. Liệu chúng ta có nên từ bỏ mô hình duy nhất này hay không". Đức đóng vai trò chính trong các cuộc đàm phán hồi tháng trước ở Kiev về môi giới một thoả thuận hoà bình giữa phe đối lập thân châu Âu và Chính phủ Ukraine của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Theo một thông cáo khác từ Cục thông tin báo chí Chính phủ Đức tối 2/3, Thủ tướng Đức Merkel đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Ukraine. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng hành động can thiệp vào Crimea không thể chấp nhận của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế. Thủ tướng Merkel và Tổng thống Obama nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ về vấn đề Ukraine, đồng thời cho biết cần nhanh chóng đánh giá các vấn đề tài chính và tình hình nhân đạo để có thể hỗ trợ kịp thời Ukraine. Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định chỉ có giải pháp chính trị là phù hợp để giải quyết vấn đề hiện nay ở Ukraine, trong đó cần lập tức thành lập một "phái bộ tìm hiểu sự thật" cũng như một nhóm tiếp xúc để bắt đầu cuộc đối thoại chính trị.



Mạnh Hùng

Tân Tư lệnh Hải quân Ukraine quay sang ủng hộ Crưm
Tân Tư lệnh Hải quân Ukraine quay sang ủng hộ Crưm

Tư lệnh hải quân Ukraine vừa mới được bổ nhiệm, Đô đốc Denys Berezovsky đã quay sang thề trung thành với nước CH tự trị Crimea (Crưm), nhân danh Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN