Thủ tướng Cameron nêu điều kiện duy trì quan hệ Anh-EU

Ông Cameron khẳng định Anh và EU nên duy trì quan hệ kinh tế gắn bó nhất có thể và một trong những yếu tố "quan trọng" để thực hiện điều này là cải cách.

Ngày 28/6, phát biểu trước các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Brussel (Bỉ), Thủ tướng Anh sắp rời nhiệm sở của Anh David Cameron cho rằng liên minh này nên cân nhắc cải cách các quy định liên quan tới tự do đi lại giữa các nước thành viên và coi đây là một trong những điều kiện "căn bản" trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa quốc gia này với toàn khối sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU).

Một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Cameron khẳng định Anh và EU nên duy trì quan hệ kinh tế gắn bó nhất có thể và một trong những yếu tố "quan trọng" để thực hiện điều này là cải cách. Theo ông, chính điều luật này là một trong những nguyên nhân khiến đa số người Anh ủng hộ rời "ngôi nhà chung" châu Âu.

Thủ tướng Anh David Cameron tới dự hội nghị EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong bài phát biểu cuối cùng của mình tại Hội nghị thượng đỉnh EU với tư cách lãnh đạo của một quốc gia thành viên, ông Cameron đã phản ánh một số lý do khiến người dân "quốc đảo sương mù" lựa chọn phương án ra đi. Ông cũng thông báo về quyết định từ chức của mình và thời gian dự kiến để nước Anh có người kế nhiệm ông là vào tháng 9 tới. Thủ tướng Cameron cũng từ chối yêu cầu của các lãnh đạo khác về việc chính thức bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi EU và cho rằng đây là nhiệm vụ của Thủ tướng sắp tới của Anh.

Trong khi đó, lãnh đạo Scotland và Gibraltar, hai vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, đã nhất trí về việc ở lại EU. Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo và người đồng cấp Scotland Nicola Sturgeon đã thảo luận và thống nhất quan điểm về việc giữ hai vùng lãnh thổ này ở lại EU sau Brexit. Hai bên sẽ cử các nhóm chuyên gia làm việc chung để cùng đánh giá tình hình và tìm ra phương hướng hành động. Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6, đa số người dân ở hai khu vực này đều ủng hộ giữ Anh ở lại EU, trong đó, có tới 96% người dân Gibraltar lựa chọn phương án "ở lại" EU. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý trên toàn Vương quốc Anh thì tỷ lệ người dân ủng hộ Brexit lại chiến thắng với tỷ lệ 51,9% ủng hộ.

Trong một diễn biến liên quan, hàng nghìn người dân thủ đô London của Anh, bất chấp trời mưa nặng hạt, đã tập trung tại quảng trường Trafalgar trung tâm thủ đô để biểu tình phản đối kết quả cuộc trưng cầu ý dân đưa Anh rời khỏi EU diễn ra hôm 23/6 vừa qua.

Đoàn người biểu tình kéo tới tòa nhà Quốc hội và hô vang khẩu hiệu phản đối kết quả cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ đối với những chính trị gia ủng hộ Brexit và cáo buộc phe này có thể sẽ không thực hiện lời hứa cắt giảm người nhập cư và tăng chi tiêu cho y tế. Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, rất nhiều kế hoạch biểu tình đã được chuẩn bị nhưng đều bị hoãn do số lượng người đăng ký tham gia quá đông gây ra những nguy cơ về an ninh công cộng.

Cuộc biểu tình này cũng không nằm ngoài số đó, nhưng đám đông vẫn xuất hiện và thực hiện cuộc biểu tình như dự định.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử với phần thắng nghiên về Brexit đã đẩy Vương quốc Anh vào tình trạng bất ổn cả về kinh tế và chính trị. Các sàn chứng khoán chao đảo. Tăng trưởng kinh tế dài hạn bị đe dọa khi có tới hơn 1/3 số người dân Anh được thăm dò quyết định sẽ thắt chặt chi tiêu sau khi Anh lựa chọn rời EU và 60% người dân được hỏi tỏ ra bi quan về viễn cảnh kinh tế nước này.

Gần 2.000 người tụ tập trước tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: Getty Images

EU xem xét tăng cường năng lực quốc phòng

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU Federica Mogherini ngày 28/6 đã kêu gọi EU củng cố năng lực quốc phòng, sau khi giới lãnh đạo EU thừa nhận việc Anh rời khỏi "mái nhà chung châu Âu", hay còn gọi là Brexit, sẽ khiến EU mất đi một trụ cột quân sự quan trọng.

Phát biểu trong buổi đánh giá thực hiện "Chiến lược toàn cầu về chính sách an ninh và đối ngoại" của EU trong 1 năm qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU, bà Mogherini nhấn mạnh người dân các nước châu Âu phải có trách nhiệm hơn với an ninh của khối, theo đó nâng cao năng lực phát hiện, phản ứng kịp thời và bảo vệ hiệu quả chính mình trước các mối đe dọa bên ngoài.

Bản đánh giá của bà Mogherini nêu rõ trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hình thành để bảo vệ các nước thành viên của khối quân sự này (trong đó có tới 22 nước thành viên EU), khỏi sự tấn công từ bên ngoài, thì người dân châu Âu cũng phải được trang bị, đào tạo và tổ chức tốt hơn để có đóng góp cụ thể vào các mục tiêu tập thể, cũng như có thể hành động để tự bảo vệ mình trong trường hợp khẩn cấp. Theo bà Mogherini, việc đề ra mục tiêu tự vệ và một mức độ tham vọng phù hợp về quốc phòng là yếu tố quan trọng củng cố khả năng của châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và bảo vệ an ninh cả trong và ngoài khối.

Đại diện cấp cao EU cũng kêu gọi liên minh này phải đóng vai trò toàn cầu trong việc duy trì vị thế EU vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới hậu Brexit.

TTXVN/Tin Tức
Đã có 4 triệu người Anh yêu cầu trưng cầu dân ý lần 2
Đã có 4 triệu người Anh yêu cầu trưng cầu dân ý lần 2

Tính tới 6h sáng ngày 29/6 (giờ Việt Nam) đã có 4.006.188 người Anh ký vào bản kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN