Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba trả lời phỏng vấn TTXVN về dự thảo Hiến pháp mới

Nội dung cuộc phỏng vấn độc quyền của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với ông Homero Acosta Álvarez, Ủy viên Trung ương Đảng, Thư ký Hội đồng Nhà nước và là thành viên Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Cuba xoay quanh bản Hiến pháp mới mà Cuba tiến hành trưng cầu dân ý ngày 24/2/2019.

Chú thích ảnh
Ông Homero Acosta Álvarez, Ủy viên Trung ương Đảng, Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba. Ảnh: Lê Hiền/Phóng viên TTXVN tại Cuba

Phóng viên: Trước hết, xin được cảm ơn ông Homero Acosta Álvarez đã dành cho TTXVN cuộc phỏng vấn độc quyền này. Thưa ông, chúng tôi mong muốn được biết vì sao Cuba cần một Hiến pháp mới và vì sao vào thời điểm này?

Ông Homero A. Álvarez: Tôi xin cảm ơn TTXVN đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhân dân Việt Nam, một dân tộc anh em mà chúng tôi ngưỡng mộ và đang có sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội đáng quý dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng vào thời điểm chúng tôi đang tiến hành cải tổ Hiến pháp.

Nguyên nhân cuộc cải tổ Hiến pháp của Cuba lần này cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử. Hiến pháp hiện hành từ năm 1976 của chúng tôi đáp ứng những hoàn cảnh kinh tế và chính trị mà từ lâu đã lùi lại phía sau. Chính vì thế, từ năm 1992, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và khối chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu ra đi, và xuất phát từ quyết định của Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1991, Cuba đã điều chỉnh sâu rộng Hiến pháp hiện hành lần thứ nhất để phù hợp với thực tiễn mới, bối cảnh mới mà Cách mạng Cuba phải đi qua sau những sự kiện quốc tế đã có tác động không thể bàn cãi tới đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Cuba.

Vào thời điểm đó, Cuba đã tiến hành cải tổ một phần Hiến pháp, bao gồm một số quy định về cơ sở kinh tế Nhà nước và đặc biệt là quy mô của các phương tiện sản xuất cơ bản, với sở hữu xã hội chủ nghĩa toàn dân là hình thức cơ bản nhất; bên cạnh đó còn có việc đưa thêm một số nội dung như tư do tín ngưỡng, áp dụng cơ chế bầu cử trực tiếp đối với Đại biểu Quốc hội và các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, cũng một số điều chỉnh chính trị khác. Đó là lần điều chỉnh đầu tiên năm 1992.

Năm 2002, Hiến pháp Cuba được cải tổ lần 2 với nội dung về chính cơ chế cải tổ Hiến pháp, trong đó đưa ra một số nguyên tắc. Đầu tiên là việc áp đặt một số nguyên tắc nền tảng, tức là những nội dung mà những người lập hiến tương lai không được thay đổi: trong đó có hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc rằng Cuba không bao giờ được xem xét hay tiến hành đàm phán dưới sự đe dọa hay xâm phạm của một cường quốc ngoại bang. Đó là những nguyên tắc mà tôi cho rằng rất quan trọng trong 2 lần cải tổ hiến pháp trước đây.

Còn giờ đây, điều gì đang diễn ra? Vào năm 2011, Đảng Cộng sản Cuba đã tiến hành Đại hội lần thứ VI, một sự kiện rất quan trọng, với kết quả là văn kiện Những Chủ trương chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng, bao gồm những điều chỉnh một số yếu tố của mô hình kinh tế. Kể từ đó, đã bắt đầu diễn ra một số thay đổi trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, hiện trạng sở hữu xã hội chủ nghĩa toàn dân và sự xuất hiện của những thành phần kinh tế mới, được gọi là lao động tự chủ hay lao động tự doanh và sự mở rộng của thành phần hợp tác xã.

Sau đó, từ kết quả của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đã có thêm những điều chỉnh liên quan tới sự vận hành của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Đảng và các tổ chức nhà nước, cùng việc quán triệt những tình hình mới liên quan tới những quyền bình đẳng của công dân, v.v... Và tất cả những điều đó dần mở ra tầm nhìn mới về nhu cầu cải tổ Hiến pháp, khi những điểm tựa mà Hiến pháp 1976 tạo ra không còn trùng khớp với thực tiễn xã hội và kinh tế mà chúng tôi đang xây dựng. Tầm nhìn ấy càng được củng cố tại Đại hội Đảng lần thứ VII năm 2016, với một số văn kiện tái định nghĩa một số khái niệm trong phạm trù kinh tế quốc dân, những thay đổi mà đất nước hướng tới – cả một nhóm văn kiện mang tính hoạch định lộ trình và định hướng bản lề bao gồm cả những điều chỉnh một số nguyên tắc có trong Hiến pháp hiện hành.

Và câu hỏi nữa là khi nào. Xin hãy lưu ý rằng chúng tôi triển khai quá trình này sau Đại hội Đảng VII, khi những thử nghiệm thay đổi đã có độ chín nhất định sau một thời gian tiến hành và đã có những khái niệm rõ ràng hơn về những thay đổi cần thiết, đồng thời chúng tôi cũng đã có một phần những nghiên cứu về những thành tố, những nội dung cần hoàn thiện trong Hiến pháp. Chính vì vậy chúng tôi chọn thời điểm này, khi chúng tôi đã xác định được những điểm cần thiết cho phép đẩy mạnh quá trình cải tổ và bàn giao sang Quốc hội, như đã được tiến hành. Tôi cho rằng đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những cải cách vừa qua.

Phóng viên: Ông đã nêu ra một loạt đề tài trong Hiến pháp mới, hay đúng hơn, Hiến pháp tương lai của Cuba. Khi nói tới một cuộc cải tổ Hiến pháp, mọi người thường nghĩ tới những thay đổi hay những điểm mới mang tính cấu trúc. Ông có thể mô tả một số những điểm mới về cấu trúc quan trọng nhất trong lần này?

Ông Homero A. Álvarez: Chúng ta đang nói về một cuộc cải tổ hiến pháp toàn phần, nói cách khác là một sự thay đổi về cốt lõi, về những khái niệm, những nội dung và phạm vi của văn bản hiến pháp. Kể từ thời điểm này, Cuba sẽ khép lại một chu kỳ hiến pháp bắt đầu từ năm 1976 mà chúng ta có thể nói là chu kỳ hiến pháp dài nhất trong lịch sử Cuba. Chu kỳ hiến pháp này sẽ khép lại một khi nhân dân của chúng tôi khẳng định bằng lá phiếu của mình vào ngày 24/2, bởi vì tới nay Quốc hội đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới và hiện tại chúng tôi chỉ còn chờ đợi cử tri bày tỏ ý kiến của mình, và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng bản Hiến pháp mới sẽ được thông qua.

Giờ đây chúng tôi đã khái niệm hóa Nhà nước như Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và điều này có một ý nghĩa quan trọng trong quá trình cấu trúc Nhà nước, trong việc vận hành các cơ quan của Nhà nước, trong việc thực thi và bảo đảm những quyền cơ bản của công dân; hay tính tối thượng của Hiến pháp cũng được xác định rõ ràng trong trật tự tư pháp và vị thế tối thượng này của Hiến pháp cũng rất quan trọng. Trong lĩnh vực kinh tế, có rất nhiều điều mới mẻ, dù rằng trước hết phải bắt đầu bằng việc duy trì hạt nhân cơ bản trong kiến trúc kinh tế, nhưng có rất nhiều cải cách. Sở hữu xã hội chủ nghĩa đối với các phương tiện sản xuất cơ bản được duy trì vì đây là yếu tố mang tính định hình và tạo ra sự khác biệt của mô hình kinh tế Cuba, trong đó công nhận kế hoạch hóa đồng thời cũng lần đầu tiên công nhận vai trò của thị trường trong khuôn khổ của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hóa.

Tương tự, các hình thức sở hữu mới cũng được đưa vào Hiến pháp và đã có sự công nhận đối với sở hữu tư nhân. Vì sao? Vì sở hữu tư nhân, như một phần của những thay đổi mà chúng tôi tiến hành trong mô hình kinh tế của mình, đã dần dần chiếm lĩnh các không gian kinh tế không chỉ như những lao động tự doanh đơn thuần, mà còn có những hình thức thuê nhân công lao động để trở thành những đơn vị thị trường nhỏ trong một số hoạt động như xây dựng, và trong nhiều dịch vụ hình thức sở hữu này đang mở rộng mặc dù Hiến pháp ghi rằng đây chỉ là thành phẩn bổ trợ trong nền kinh tế.

Cũng có một số nét mới làm thay đổi cấu trúc Nhà nước, mà cho tới nay có những nét tương đồng khá lớn so với cấu trúc mà các bạn có tại Việt Nam, từ cấp trung ương tới địa phương. Theo Hiến pháp 1976, chúng tôi có cấu trúc với Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, cơ quan lập pháp và lập hiến, và trong đó có một cơ quan thường trực, mà tại một số nước được gọi là Ủy ban thường vụ, nhưng tại Cuba được gọi là Hội đồng Nhà nước. Điều đặc biệt cho tới nay là ai đứng đầu Hội động Nhà nước thì là nguyên thủ quốc gia, chứ không phải Chủ tịch Quốc hội. Song giờ đây, người đứng đầu cơ quan thường vụ đó sẽ chính là Chủ tịch Quốc hội, và chúng tôi sẽ có một chức danh mới là Chủ tịch nước, giống như của Việt Nam các bạn.

Đồng thời, Hiến pháp mới cũng sẽ định ra chức danh Thủ tướng, người mà chúng ta có thể nói là sẽ “cầm cương” các vấn đề hành pháp và hành chính thường nhật của đất nước. Tất nhiên, Chủ tịch nước cũng vẫn phải coi sóc các nhiệm vụ của chính phủ vì ông có những chức năng liên quan tới các hoạt động này và kiểm soát theo cách nào đó hoạt động của Thủ tướng, người sẽ phải đề xuất và có được sự đồng thuận của Chủ tịch nước trong những quyết định bản lề hay thay thế nhân sự lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, v.v... Đó là cấu trúc thượng tầng.

Về cấu trúc bên dưới, hay là cấp tỉnh và huyện, cũng có một số thay đổi trong cấu trúc của chính quyền. Ở cấp tỉnh sẽ không Hội đồng nhân dân tỉnh, mà sẽ có một hệ thống gồm một Thống đốc và một Hội đồng tỉnh, nói cách khác là 2 cấu trúc song song với chức năng riêng. Thống đốc sẽ điều hành tỉnh, và có chức năng dạng điều phối viên với các cơ quan cấp cao hơn của Nhà nước, thuộc cấp trung ương, trong khi Hội đồng tỉnh sẽ là cơ quan đưa ra các quyết sách quan trọng của địa phương và bản thân cơ quan này bao gồm Thống đốc, Phó thống đốc, các Chủ tịch và Phó Chủ tịch các Hội đng nhân dân các huyện trong tỉnh, cùng các Huyện trưởng và Phó huyện trưởng, là những người đứng đầu ngạch hành chính tại các huyện trong tỉnh.        

Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi muốn được đề cập cụ thể tới vai trò của Đảng Cộng sản Cuba. Vai trò này được xác định ra sao trong Hiến pháp mới? Vì chúng ta đều biết rằng đã có những thông tin sai trái rằng Cuba sẽ từ bỏ Chủ nghĩa cộng sản, xuất phát từ việc danh từ này không được đưa vào trong bản tiền dự thảo Hiến pháp mới dù rằng sau đó đã xuất hiện lại trong dự thảo cuối cùng. Ông có thể giúp chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề này?

Ông Homero A. Álvarez: Vai trò của Đảng Cộng sản Cuba được duy trì trong Hiến pháp. Đó là vai trò lãnh đạo, định hướng xã hội và nhà nước, nhưng đã có những điểm được làm rõ trong Hiến pháp lần này. Đầu tiên, đó là vai trò đó xuất phát từ sự gắn kết thường xuyên giữa Đảng với xã hội; đây là một nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi đã tuân thủ trong thực hành cách mạng, nhưng tới nay chúng tôi mới đưa vào trong Hiến pháp. Một yếu tố khác là tính chất dân chủ của Đảng. Đây là chính đảng duy nhất tại Cuba và mang học thuyết chủ nghĩa Mác-xít – Lê-nin-nít, tư tưởng Fidel Castro và cả thành tố José Martí, người khơi nguồn tư tưởng cách mạng của Cuba, nhà hiền triết của nền độc lập và Anh hùng Dân tộc của chúng tôi. Tóm lại, vai trò của Đảng được duy trì và củng cố trong Hiến pháp mới.

Quả là khi bản tiền dự thảo được công bố rộng rãi, danh từ “chủ nghĩa cộng sản” không xuất hiện trong văn bản này, và điều này có lý do riêng, dù rằng sau đó chúng tôi cũng đã thay đổi và đưa lại danh từ này vào trong bản dự thảo cuối cùng.

Lời giải thích cho điều này đó là khi soạn thảo bản dự thảo đầu tiên, chúng tôi đã phân tích: Hiến pháp là văn bản luật tối cao cho một giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước và thời điểm lịch sử hiện tại của Cuba là giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội; và điều đó không hề hàm ý rằng chúng tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản được chia thành nhiều giai đoạn, và giai đoạn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là lý do mà chúng tôi không nhắc tới chủ nghĩa cộng sản trong lần soạn thảo đầu, và điều này cũng đã được Quốc hội thông qua. Nhưng sau đó, khi văn bản Hiến pháp mới được mang ra tham khảo ý kiến quần chúng, đã có khoảng 500 người cho ý kiến rằng chúng tôi không nên bỏ qua việc đề cập tới khát vọng về chủ nghĩa cộng sản, và thậm chí cũng có một số đối tượng không có ký ức – những người mà tôi có thể nói là không hiểu gì về những điều mà chúng ta đang giải trình – còn nói rằng chúng tôi từ bỏ lý tưởng cộng sản, điều hoàn toàn phi lý, và do đó chúng tôi đưa lại danh từ này vào trong dự thảo và sau đó Quốc hội đã thông qua việc nhắc tới chủ nghĩa cộng sản như một khát vọng trong tương lai.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN tại Cuba phỏng vấn ông Homero A. Álvarez (trái). Ảnh: Lê Hiền

Vì vậy, với việc làm sáng tỏ vai trò của Đảng và đưa vào lại danh từ chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi cho rằng cuộc tranh luận hay những nghi ngờ, nếu có, đã được giải quyết. Vai trò lãnh đạo đó là một thành tố cơ bản của hệ thống chính trị và đây là đảng của quốc gia Cuba, chính đảng duy nhất, lực lượng mang lại sự đoàn kết và là thành tựu của lời kêu gọi nhất quán của các tổ chức từng cùng nhau lật đổ chế độ độc tài Batista và cùng đứng chung vào một hàng ngũ để thúc đẩy tiến trình cách mạng. Đó chính là lời giải đáp và thậm chí ở đây còn có một chi tiết thực tiễn, đó là việc định nghĩa vai trò của Đảng trong Hiến pháp hiện hành nằm ở Điều 5 và chúng tôi cũng soạn thảo phần định nghĩa về Đảng ở Điều 5 của văn bản mới để cho không ai còn chút nghi ngờ nào cả.

Phóng viên: Còn những nội dung mới khác của Hiến pháp mới về chính sách đối ngoại, như việc bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu hay việc dân chủ hóa không gian mạng. Phải chăng những nguyên tắc này đã có trong thực hành của Cuba hay là những vấn đề sẽ được thay đổi với Hiến pháp mới?

Ông Homero A. Álvarez: Không, đó là những nguyên tắc đã có trong chính sách đối ngoại của Cuba. Giờ đây bước đi của chúng tôi là một sự công nhận hiến định, điều mang hàm ý rằng trong hành xử quốc tế trong tương lai, Nhà nước Cuba không thể bỏ qua những nguyên tắc ấy, và như tôi đã nói, đó là những nguyên tắc được xây dựng trong cả tiến trình cách mạng, là những nguyên tắc không đổi mang lại cho Cuba một vai trò đã được công nhận trên trường quốc tế.   

Phóng viên: Và câu hỏi cuối cùng. Cuba luôn lấy phát triển con người là trọng tâm trong mô hình xã hội và tất cả các vận động của mình. Trước cuộc cải tổ hiến pháp này, đã có những thông tin tuyên truyền rằng Cuba thậm chí sẽ từ bỏ hệ thống y tế toàn diện và miễn phí của mình, hay hệ thống giáo dục hiện tại, những thông tin mà giờ đây chúng ta đã biết là sai sự thật và rằng Cuba sẽ tiếp tục con đường hiện tại. Vậy Hiến pháp mới nhấn mạnh yếu tố hạt nhân đó, yếu tố về phát triển con người đó như thế nào, ngoài việc mở rộng các quyền dân sự mà ông đã nêu?

 Ông Homero A. Álvarez: Ồ, Cách mạng đã thắng lợi nhờ vào con người, nhờ vào con người Cuba và nhờ vào việc tôn vinh con người. Hiến pháp Cuba, không chỉ bản sắp được trưng cầu thông qua mà ngay từ bản 1976 hiện hành, cho tới nay đã phản ánh khát vọng đặt con người vào trọng tâm của tiến trình chuyển đổi xã hội. Bởi vì cách mạng đến và mang lại trường lớp cho những ai chưa được học, mang lại y tế, mang lại đất đai cho người nông dân, và đó đều là những thành quả của cách mạng. Bạn hãy lưu ý rằng chúng tôi vẫn giữ ngay trong phần Dẫn đề của Hiến pháp mới một tư tưởng của José Martí nói rằng: “tôi mong muốn điều luật đầu tiên của nền cộng hòa chính là sự tôn vinh con người Cuba bằng nhân phẩm vẹn toàn”; và đó là khái niệm xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp, bởi vì cách mạng luôn nghĩ tới con người với nhân phẩm đầy đủ đó, vì đây là cuộc cách mạng “của những cùng khổ, do những người cùng khổ và vì những người cùng khổ” và một cuộc cách mạng nhân dân.

Những nội dung đó đều được phản ánh trong Hiến pháp, và do vậy, tôi nói với bạn rằng chúng tôi duy trì nguyên tắc về quyền tiếp cận phổ cập và miễn phí dịch vụ y tế công, với sự đảm bảo tương ứng, vì chỉ tuyên bố quyền đó không là chưa đủ, mà đằng sau đó còn phải có một hệ thống bệnh viện, trạm xá và các y, bác sĩngười dân có thể tiếp cận và không xa cách với họ, bên cạnh đó là những chương trình tiêm chủng hay bảo vệ sự khỏe có sự tham dự của toàn xã hội. Với giáo dục cũng vậy, sẽ không thể phát triển cách mạng nếu thiếu một cuộc cách mạng giáo dục, và điều đó tiếp tục được gìn giữ. Tôi tin rằng đây cũng là một yếu tố tạo ra sự khác biệt cho dự thảo.

Cuối cùng, tôi muốn nhân cơ hội này chuyển một thông điệp, một lời chào tới nhân dân Việt Nam, một dân tộc say mê lao động, một dân tộc can đảm và một dân tộc mà chúng tôi rất ngưỡng mộ và coi như những người anh em của mình, với quan hệ không chỉ giữa hai Đảng, hai Chính phủ, mà còn cả giữa hai dân tộc. Các thế hệ trẻ cần gìn giữ những gì mà lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng để mối quan hệ anh em đó không bị mai một trong tương lai. Chính vì thế tôi muốn nhân cơ hội này dang rộng vòng tay với mỗi người Việt Nam xem hay đọc cuộc phỏng vấn này.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn này!

Lê Hà – Lê Hiền
Công dân Cuba ở nước ngoài bỏ phiếu trưng cầu ý dân cho Hiến pháp mới
Công dân Cuba ở nước ngoài bỏ phiếu trưng cầu ý dân cho Hiến pháp mới

Trong hai ngày 16 và 17/2, các phái bộ ngoại giao và công dân Cuba hiện sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia vào các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thông qua bản Hiến pháp mới của Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN