Thông điệp từ Đồi Mamaev

Trong những ngày tháng 5 đầy màu sắc, khi người dân LB Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9/5) của các dân tộc Liên Xô trước đây trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đương nhiên nhiều người sẽ nhớ tới một địa chỉ chiến thắng hào hùng ở miền Nam nước Nga.

Chú thích ảnh
Tượng Mẹ tổ quốc kêu gọi. 

Đó là khu tưởng niệm Đồi Mamaev nằm ở thành phố anh hùng Volgograd, nơi mà từ tháng 9/1942 đến tháng 1/1943 đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất để định hình chiến thắng cuối cùng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức.      

Khu tưởng niệm Đồi Mamaev có diện tích 26 hecta. Đây là một ngọn đồi tự nhiên ở hữu ngạn sông Volga cao 102m. Ngày nay nó thuộc Quận Trung tâm thành phố Volgograd. Với vị trí chiến lược nhìn ra sông Volga và giúp kiểm soát mọi chuyển động và giao cắt của vùng dọc sông, các trận đánh ác liệt để giành giật Đồi Mamaev đã diễn ra 135 ngày trong tổng số 200 ngày của Trận chiến Stalingrad hào hùng và kích tính. Chiến sự ở điểm cao này đã khiến cho đất cháy xém, trộn lẫn với mảnh bom đạn, và cỏ không mọc được trên sườn đồi. Quần thể di tích trên Đồi Mamaev là nơi tưởng nhớ 35.000 người lính bảo vệ Stalingrad đã ngã xuống, yên nghỉ trong những ngôi mộ tập thể của khu tưởng niệm.     

Được biết bản thân cái tên Đồi Mamaev (Mamaev Kurgan) có từ thời Hãn quốc Kim Trướng (Zolotaya Orda) gốc Mông Cổ. Tiền đồn trên điểm cao này được vị tướng Hãn quốc Kim Trướng tên là Mamai lập ra. Và một truyền thuyết nói rằng chính Mamai đã được chôn cất trong một ngôi mộ trên đồi, mặc áo giáp vàng. Điều này được xác nhận gián tiếp qua nhiều cuộc khai quật trước đây xong ngôi mộ của Mamai chưa bao giờ được tìm thấy.   

Dự án xây dựng khu tưởng niệm “Các anh hùng trong trận chiến Stalingrad” trên Đồi Mamaev được phê duyệt năm 1958, và việc xây dựng bắt đầu một năm sau đó, tháng 5/1959, dưới sự lãnh đạo của tác giả dự án, nhà điêu khắc Yevgeny Viktorovich Vuchetich. Đội ngũ các nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà xây dựng đã làm việc trong 8 năm. Lễ khánh thành khu tưởng niệm diễn ra ngày 15/10/1967. Cố vấn quân sự chính của dự án là Nguyên soái Vasily Ivanovich Chuikov (02/12/1900 - 03/18/1982), Anh hùng Liên Xô, tư lệnh Tập đoàn quân 62, đã tham gia Trận chiến Stalingrad. Theo di nguyện, ông được chôn cất tại Quảng trường Khổ đau trên Đồi Mamaev.    

Phía trước khu tưởng niệm là một công viên cây xanh rộng với “Con đường Nga”, mỗi cây xanh được trồng trên con đường tượng trưng cho một vùng, miền, lưu lại ký ức về các anh hùng trong trận Stalingrad, tượng trưng cho sức mạnh và sự đoàn kết của dân tộc. Bản thân con đường giống như dòng chảy của sông Volga.  

Con đường lên Đồi Mamaev bắt đầu với bức phù điêu "Ký ức các thế hệ", mô tả những người thuộc các thế hệ khác nhau đến để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong các trận chiến bảo vệ quê hương và để lên đến đỉnh đồi, khách tham quan cần đi 200 bậc cầu thang, tượng trưng cho 200 ngày của Trận chiến Stalingrad. Những bậc cầu thang dài này cũng nhằm thể hiện con đường khó khăn và gian khổ để đi đến thắng lợi. 

Tiếp đó là con đường cây dương, dài 223m, tượng trưng cho cuộc sống yên bình, dẫn đến “Quảng trường Quyết tử”, chuyển tải giai đoạn khó khăn nhất của Trận chiến Stalingrad. Những cây dương cao, mảnh được trồng lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1965 để tưởng nhớ những người không trở về sau chiến tranh.

Chú thích ảnh
Quảng trường quyết tử

Quần thể “Quảng trường Quyết từ” nhằm tưởng nhớ những người đã không tiếc mạng sống của mình ở một trong những trận chiến tàn khốc nhất lịch sử. Tác phẩm điêu khắc ở trung tâm quảng trường là bức tượng chiến sĩ với súng máy và lựu đạn trên tay, tượng trưng cho quyết tâm hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương. Nó được làm bằng đá nguyên khối cao 16,5m. Trên bức tượng có khắc các dòng chữ: “Không lùi bước!”, “Đứng vững đến chết”, “Không có đất cho chúng ta sau sông Volga”, “Chúng ta sẽ không làm hổ thẹn ký ức thiêng liêng”. 

Tiếp đó là hai bức phù điêu cao "Bức tường đổ nát" dài 46m và cao 18m. Hai bức tường này giống như đoạn phim kể về cuộc chiến của các chiến sĩ ở Stalingrad, giúp cảm nhận trọn vẹn sự kinh hoàng khi đó. Hai bức tường đá khổng lồ bao quanh người xem ở hai bên tạo cảm giác về bầu không khí ngột ngạt của cuộc chiến. Các cảnh trận chiến được mô tả ở bức tường bên phải, với xe tăng, nhà cửa bị phá hủy, gương mặt căng thẳng của những người lính tay cầm lựu đạn và súng máy. Bức tường bên trái được bao phủ bởi vô số những lời thề: “Không lùi bước!”, “Chúng tôi thề”… với biểu cảm trên gương mặt những người lính được truyền tải một cách chân thực.

Chú thích ảnh
Bức tường đổ nát.

Cũng tại “Bức tường đổ nát”, qua loa phát thanh sẽ vang lên những tiếng nổ, tiếng súng, tiếng máy bay bổ nhào, các bài hát huyền thoại như bài “Cuộc chiến Thần thánh” và giọng của phát thanh viên, Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Yuri Borisovich Levitan, người mà trong chiến tranh đã đọc tin về cuộc tấn công của quân xâm lược ngày 22/6/1941 cũng như thông báo về sự đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức ngày 9/5/1945.

Đi qua “Bức tường đổ nát” bạn sẽ tới “Quảng trường các Anh hùng”. Trung tâm của quảng trường là một hồ nước nhân tạo lớn nhân cách hóa nước sông Volga và sự liên tục của dòng sông sự sống, nơi các anh hùng đã phải chịu đựng gian khổ, chiến đấu đến cùng. Bên phải bể nước là 6 bức tượng cao 6m, mô tả chiến công của tất cả những người đã chiến đấu trên chiến trường, từ “Nữ y tá", "Chỉ huy", "Thủy thủ", "Người cầm cờ", "Đứng vững, chiến thắng cái chết", và cuối cùng là "Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít".

“Quảng trường các Anh hùng” kết thúc bằng bức phù điêu hoành tráng dài 160m, cao 10m. Trên bề mặt nhẵn của bức phù điêu là những bức tranh mô tả cuộc phản công của Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad, niềm vui chiến thắng, bắt được binh lính và tướng lĩnh của kẻ địch, và cuộc mít tinh của những người chiến thắng.

Phía trên “Quảng trường các Anh hùng” là “Phòng vinh danh quân nhân” hình trụ, cao 13,5m, đường kính 42m, tượng trưng cho lòng biết ơn mãi mãi và sự ghi nhớ của con cháu. 7.200 tên những người lính ngã xuống được khắc trên tường của căn phòng này. Ở trung tâm sảnh là hình tượng cách điệu một bàn tay của hậu duệ cầm Ngọn lửa Vĩnh cửu. Kể từ năm 1968, lễ đổi gác tại “Phòng vinh danh quân nhân” diễn ra trang trọng hàng giờ.

Chú thích ảnh
Phòng vinh danh quân nhân.

Bên cạnh "Phòng vinh danh quân nhân” là "Quảng trường Khổ đau" với bức tượng “Người mẹ đau buồn”. Tượng đài nằm giữa một bể nước tượng trưng cho bể nước mắt người mẹ khóc thương những người con không trở về sau chiến tranh, gợi nhớ đến hàng triệu nạn nhân của trận chiến.

Cuối cùng, trên đỉnh đồi, bạn sẽ tới tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi!” vốn có thể trông thấy từ xa khi máy bay hạ cánh xuống thành phố Volgograd. Đây là một trong những tượng đài cao nhất thế giới. Bức tượng có tổng chiều cao 85m, gồm 52m thân tượng, tính từ chân tới cánh tay đang giơ cao, cùng thanh kiếm dài 33m. Các tính toán kỹ thuật trong quá trình xây dựng tác phẩm được Nikolai Vasilyevich Nikitin, người đã xây dựng tháp truyền hình Ostankino, thực hiện. Tượng được làm bằng các khối bê tông cốt thép nặng gần 8.000 tấn (5.500 tấn bê tông và 2.400 tấn kim loại), không tính phần bệ nổi cao 2m và phần bệ đỡ chìm 16m. Thanh kiếm với trọng lượng 14 tấn được làm bằng thép đặc biệt, có đục nhiều lỗ để làm giảm áp lực gió. 

Có thể thấy Khu tưởng niệm Đồi Mamaev là công trình xây dựng công phu, mang trong mình rất nhiều giá trị chuyển tải, đặc biệt là những ký ứng bi hùng của cuộc chiến tranh mà nhân dân Xô viết đã phải trả bằng rất nhiều máu và nước mắt để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng

Duy Trinh
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy lượng lớn vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy lượng lớn vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine

Lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng tên lửa chiến thuật Iskander để phá hủy hàng loạt vũ khí do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gửi cho Ukraine tại khu vực Kharkov.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN