Kế hoạch của bà Guli xuất phát từ lòng trắc ẩn đối với những người đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Người phụ nữ 52 tuổi này chia sẻ: "Tôi không phải là người bẩm sinh đã thích chạy. Tôi thực sự không thích chạy. Đôi khi tôi cũng cho rằng đây là việc làm điên rồ, nhưng tôi muốn nâng cao nhận thức trong cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu".
Bà Guli là người sáng lập và lãnh đạo Quỹ Thirst (tạm dịch là "Cơn khát") - một tổ chức hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn cầu về tài nguyên nước. Trong vòng một năm qua, bà Guli đã chạy quãng đường hơn 8.440 km qua 32 quốc gia. Trong số những nơi bà đặt dấu giày có vùng sa mạc của quê hương Australia, sông băng ở Tajikistan, rừng nhiệt đới Amazon hay những lòng sông khô cằn của châu Phi.
Bà Guli cho biết đã từng chứng kiến "những người phụ nữ và trẻ em gái phải đi bộ hàng giờ mỗi ngày, mạo hiểm mạng sống của họ để có thể lấy nước". Bà cũng đã tận mắt thấy "xác những con thuyền mắc cạn trên cát" và "cảnh tượng đau lòng và kinh hoàng" về vô số vết thủng lỗ chỗ trên những con sông băng của Tajikistan - nơi sự ấm lên toàn cầu đã khiến băng tan nhanh chóng.
Thông qua hành trình của mình, bà Guli mong muốn có thể tiếp xúc trực tiếp với các cộng đồng đang trong tình trạng thiếu nước trên thế giới để hiểu rõ hơn cuộc khủng hoảng nước và tìm cách ứng phó. Thử thách chạy marathon 200 lần trong một năm cũng là một cách để bà gửi đi thông điệp về bảo vệ nguồn nước một cách rộng rãi hơn và hiệu quả hơn, cũng như truyền cảm hứng hành động cho các nhà hoạch định chính sách, quan chức các nước cũng như giới lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới.
Nước mắt lăn dài trên má, bà Guli chia sẻ với báo giới: "Khi bạn đến những nơi đó và tận mắt chứng kiến, bạn sẽ hiểu được được những cảm xúc thật sự, sự tổn thương của những người phải sống trong khủng hoảng nước và bạn sẽ nhận ra điều này lớn hơn và sâu sắc hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta lắng nghe họ và cam kết rằng chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu này".