Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN phát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh mọi thứ "từ A đến Z" trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU sẽ được xem xét lại sau ngày 16/4 tới, thời điểm Ankara tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nhằm tăng thêm quyền lực cho ông Erdogan. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế với EU nhưng sẽ xem xét lại thỏa thuận về người di cư với liên minh này.
Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố ông sẽ vẫn giữ nguyên sự so sánh các nhà lãnh đạo châu Âu với phát xít chừng nào họ còn gọi ông là "độc tài".
Cùng ngày, trong cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter nói với ông Cavusoglu rằng Bern sẽ "điều tra kỹ lưỡng" bất kỳ hành động do thám trái phép nào của Ankara đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ trước ngày 16/4 tới.
Ông Burkhalter nhấn mạnh Thụy Sĩ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang lợi dụng mạng lưới tình báo để giám sát hoạt động của công dân nước này ở Thụy Sĩ trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Cavusoglu thực hiện chuyến thăm Thụy Sĩ sau khi chính phủ nước chủ nhà từ chối yêu cầu hủy chuyến thăm này của chính quyền Zurich do giới chức an ninh bang cho rằng ông Cavusoglu sẽ tham gia cuộc mít tinh nhằm vận động chính trị tại đây.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đã xấu đi nghiêm trọng sau khi các bộ trưởng của chính quyền Ankara bị cản trở thực hiện chiến dịch vận động chính trị tại "lục địa già" để tìm kiếm sự ủng hộ đối với kế hoạch cải cách Hiến pháp theo hướng có lợi cho ông Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã so sánh hành động của các nước châu Âu, cụ thể là Đức và Hà Lan, với phát xít, cho rằng đó là sự phân biệt chủng tộc và bài Hồi giáo.
Liên quan đến lệnh cấm của Mỹ và Anh đối với các thiết bị lớn hơn điện thoại di động lên khoang hành khách của các chuyến bay từ một vài nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho rằng hành động này đã làm tổn hại sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời hy vọng "sai lầm trên" sẽ sớm được sửa chữa. Do đó, ông Erdogan kêu gọi Mỹ và Anh xem xét lại và dỡ bỏ lệnh cấm này "sớm nhất có thể".
Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm ông cũng sẽ có cuộc gặp "trực tiếp" với chính quyền mới của Mỹ vào tháng 5 tới, trong đó vấn đề Syria và giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Mỹ bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là các vấn đề song phương hàng đầu.