Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekji tại một sự kiện ở Istanbul ngày 5/6. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN |
Phát biểu tại một hội nghị thương mại song phương giữa hai nước diễn tại thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như hàng trăm doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, ông Zibekji khẳng định nước này có thể tiếp tục đáp ứng các nhu cầu hàng hóa của Qatar không chỉ bằng việc sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển hàng hóa thành phẩm sang Qatar, mà còn sản xuất ở trong nước và hoàn thiện sản phẩm tại Qatar để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của quốc gia láng giềng vùng Vịnh.
Với lợi thế có cảng biển và sân bay, thành phố Izmir đã được lựa chọn là điểm khởi hành của chiếc tàu biển và máy bay vận tải chở hàng hóa cứu trợ đầu tiên tới Qatar ngay sau khi nước này bị các quốc gia Arập và vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao. Theo ông Zibekji, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện 221 chuyến bay vận tải chở hàng viện trợ cho Qatar kể từ ngày 5/6, khi Doha bị phong tỏa về chính trị và kinh tế.
Trước đó, ngày 5/6, các nước Arập và vùng Vịnh đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực.
Bất chấp các nỗ lực hòa giải của Kuwait cũng như kêu gọi giảm leo thang của cộng đồng quốc tế, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện vẫn chưa thể thoát khỏi thế bế tắc khi các bên không chịu chịu thỏa hiệp và nhượng bộ. Cộng đồng quốc tế tiếp tục chứng kiến các bước leo thang từng ngày khi Qatar và bên còn lại là Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Bahrain không ngừng cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau.
Cùng với chính sách phong tỏa về ngoại giao, các quốc gia vùng Vịnh còn thực thi một loạt biện pháp cô lập về kinh tế, tài chính, ngân hàng, giao thông (đường không, đường bộ và đường biển)... nhằm gia tăng sức ép để Qatar phải thay đổi chính sách của mình liên quan đến các vấn đề khu vực. Nếu xung đột kéo dài, kinh tế và tài chính của Qatar chắc chắn phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng.
Giá cả leo thang và mối đe dọa lạm phát sẽ là những thách thức lớn. Vì phải nhập khẩu nhiều loại thực phẩm, giá cả các loại hàng hóa, thậm chí giá các thực phẩm cơ bản, gia tăng đáng kể ở Qatar. Rạn nứt ngoại giao cũng đang gây hiệu ứng tiêu cực tới các hoạt động giao thương, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, xung đột ngoại giao nếu không được giải quyết có thể khiến kinh tế Qatar giảm 1,2% trong năm 2017 và 2% năm 2018.