Trong tuyên bố ngày 23/10, Tổng thống Trump nêu rõ Washington dỡ bỏ trừng phạt vì Ankara đã tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian tại Đông Bắc Syria, thỏa thuận mà ông ca ngợi là "đột phá lớn".
Tổng thống Trump cũng bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã phản bội người Kurd tại Syria, lực lượng từng sát cánh bên quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và đã phải chịu thiệt hại lớn về người. Ông dẫn lời chỉ huy của lực lượng người Kurd tại Syria Mazloum Abdi bày tỏ "đặc biệt cảm ơn" Washington đã giúp chấm dứt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái trên có thể được hiểu là Mỹ đã chính thức nhường vai trò tại Bắc Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - nước đang ngày một gia tăng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định không muốn quân đội Mỹ mắc kẹt trong cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd, đồng thời nhấn mạnh rằng sự thay đổi quyền lực này là một chiến thắng đối với Washington vì ông đã thực hiện đúng cam kết tranh cử là rút khỏi "các cuộc xung đột sắc tộc cũ".
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump khẳng định không có nguy cơ xảy ra rối loạn trong khu vực có thể dẫn tới sự trỗi dậy trở lại của IS. Liên quan đến những lo ngại rằng người Kurd không thể giám sát các tù nhân IS, ông bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "giữ lời hứa" hành động như một "bên bảo trợ cho người Kurd". Ngoài ra, theo ông, Mỹ vẫn duy trì một lực lượng gần đó để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ.
Theo giới phân tích, thông điệp chính của Tổng thống Trump là rất rõ ràng, đó là nước Mỹ không có việc gì tại Syria và không cần nỗ lực ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công. Tuy nhiên, chính sách của ông không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Ngay sau phát biểu trên của Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ đầy quyền lực Lindsey Graham cho rằng Mỹ phải cam kết tại Syria, Không quân Mỹ cần "tiếp tục kiểm soát bầu trời Syria" và quân đội nên "duy trì một quan hệ đối tác quân sự nhỏ nhưng có năng lực" với người Kurd để đề phòng sự nổi dậy trở lại của IS.