Theo kênh Al Jazeera ngày 26/1, phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng cho biết không có đề nghị đánh giá tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan riêng rẽ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các cuộc đàm phán ba bên dự kiến diễn ra vào tháng tới. Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đàm phán do các cuộc biểu tình gần đây ở Stockholm.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này muốn khôi phục đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề gia nhập NATO.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã trở nên căng thẳng sau khi nhà chức trách Thụy Điển ngày 21/1 đã cho phép tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, trong hoạt động biểu tình có cả việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc biểu tình ở Stockholm, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích hành động đốt kinh Koran bằng ngôn từ mạnh nhất có thể. Theo Thổ Nhĩ Kỳ, hành động chống đạo Hồi, nhằm vào người Hồi giáo và xúc phạm các giá trị thiêng liêng, dưới vỏ bọc tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được.
Nhiều quốc gia Arab khác, như Saudi Arabia, Jordan và Kuwait, cùng ngày cũng đã chỉ trích hành động đốt kinh Koran.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định những hành động bài Hồi giáo như tại cuộc biểu tình ở Stockholm là gây chấn động, nhưng không đồng nghĩa chính phủ Thụy Điển ủng hộ động thái này.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến thăm Ankara của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển. Thụy Điển và Phần Lan đã đệ đơn gia nhập NATO từ năm ngoái. Theo quy định, hai quốc gia Bắc Âu này sẽ cần sự ủng hộ của tất cả 30 thành viên trong liên minh quân sự NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Thụy Điển rằng họ không nên mong đợi nước này ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO sau vụ đốt kinh Koran. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp Nội các ở thủ đô Ankara, ông Erdogan nói: "Nếu họ không tôn trọng tôn giáo của người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Hồi giáo, họ sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chúng tôi về tư cách thành viên NATO".
Những bình luận trên của ông Erdogan càng khiến triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trở nên mong manh.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là những thành viên NATO còn lại chưa phê chuẩn quyết định gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu nói trên.