Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn cảnh báo của ông Andrea Sironi, Chủ tịch Generali, công ty bảo hiểm lớn nhất Italy, cho rằng “nguồn nhân lực là vấn đề lớn” đối với nước này. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT), trong năm 2022, Italy chỉ có 393.000 ca sinh, giảm 1,8% so với năm 2021 và giảm 27% so với hai thập kỷ trước đó. 2022 là năm có số ca sinh giảm thứ 14 liên tiếp và ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Vấn đề còn trầm trọng hơn do tỷ lệ người có bằng đại học tại Italy thấp hơn mức trung bình tại châu Âu. Theo các số liệu chính thức, tại Italy chỉ có 28% người từ 25 - 34 tuổi có bằng đại học, so với tỷ lệ trung bình ở châu Âu là 41% và một số quốc gia châu Âu là trên 50%.
Đáng lo ngại hơn là trong số 50.000 người rời khỏi nước này mỗi năm, nhiều người dưới 40 tuổi, được giáo dục, có kỹ năng khoa học mà Italy đang rất cần. Ông Sironi, đồng thời là Giáo sư tại Đại học Bocconi ở Milan, cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường này tìm được việc làm ở nước ngoài đã tăng lên 37%. Lý do là tại Italy, mức lương trả cho người lao động quá thấp. Sinh viên mới ra trường chỉ kiếm được 1.300 - 1.500 euro/tháng, bằng 50% mức lương tại Đức hoặc Pháp, chưa kể Thụy Sĩ, quốc gia có mức lương tối thiểu là 5.000 euro/tháng.
Mức lương quá thấp cũng khiến Italy không hấp dẫn được những lao động nước ngoài mà nước này đang cần và “khi kết hợp cả 3 yếu tố trên lại với nhau thì đó là một quả bom hẹn giờ”. Ông Sironi kêu gọi chính phủ có các ưu đãi về thuế để cải thiện tình hình.
Dân số giảm, già đi và chảy máu chất xám là mối đe dọa lớn đối với Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng euro (Eurozone), dẫn đến năng suất kinh tế giảm và chi phí phúc lợi cao hơn ở một quốc gia có chi phí lương hưu cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia. Những thách thức của dân số già bao gồm áp lực đối với chế độ lương hưu của nhà nước; hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia căng thẳng; khả năng ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng quốc gia và tình trạng thiếu lao động phổ biến khi các nhà tuyển dụng phải vật lộn để tìm nhân lực, bao gồm cả việc chăm sóc người già.
ISTAT đang cảnh báo về một “kịch bản khủng hoảng”, với dân số Italy sẽ giảm từ mức 59 triệu người hiện nay xuống còn 48 triệu người - với độ tuổi trung bình là 50 - vào năm 2070, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với một trong những gánh nặng nợ nần lớn nhất châu Âu.