Đó chính là mặt hàng chất lỏng có tên gọi dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel (dung dịch urê), vốn là hợp chất được sử dụng để cắt giảm khí thải đối với các loại xe ô tô sử dụng nhiên liệu diesel. Urê đồng thời cũng là mặt hàng thiết yếu trong chế tạo phân bón dùng cho sản xuất nông nghiệp.
Giới chức chính quyền Hàn Quốc đang phải áp dụng chính sách cung ứng luân phiên, tìm mọi cách để tăng cường nhập khẩu qua các kênh, nhằm ngăn chặn viễn cảnh thảm họa về việc sản phẩm làm ra bị mục nát, thối rữa trước khi được xe tải vận chuyển tới các khu chợ, cũng như việc nhà máy phải đóng cửa.
Từng đoàn xe tải chạy động cơ diesel rơi vào tình cảnh phải xếp hàng dài để chờ đến lượt đổ dung dịch Urê. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn cung Urê kéo dài có thể gây ra thảm cảnh mà ở đó người dân không thể đổ được xăng xe cá nhân.
Câu chuyện được khởi nguồn từ năm 2015, khi Hàn Quốc áp quy định bắt buộc các xe ô tô chạy dầu diesel phải sử dụng dung dịch urê để kiểm soát khí thải. Quy định này đã ảnh hưởng đối với 40% số lượng xe ô tô đã đăng ký. Các phương tiện chạy dầu diesel sản xuất từ năm 2015 phải được trang bị cái gọi là hệ thống khử xúc tác chọn lọc (SCR) đòi hỏi phải phun dung dịch urê giúp loại bỏ oxit nitơ (NOx) từ khí thải diesel gây ô nhiễm không khí.
Nguồn cơn của khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung urê lần này xuất phát từ việc Trung Quốc hồi tháng trước ban hành quy định hạn chế xuất khẩu dung dịch urê. Muốn tạo ra loại dung môi này, cần phải sử dụng than đá. Giá urê vì thế tăng nhanh sau khi xuất hiện tình trạng khan hiếm than. Lệnh hạn chế xuất khẩu này khiến giá urê tại Hàn Quốc tăng dựng đứng, gây ra nạn tranh mua hoảng loạn trên thị trường.
Tình cảnh Hàn Quốc hiện nay cũng có điểm tương đồng với thực trạng thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng, sản phẩm xảy ra ở nhiều nước trên thế giới liên quan đến khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc. Như tại châu Âu, các hãng chế tạo xe hơi có thể sẽ bị cạn kiệt nguồn nguyên liệu nhôm, do thiếu hụt nguồn cung magnesium từ Trung Quốc.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thiếu hụt urê tại Hàn Quốc có thể sẽ đặc biệt nghiêm trọng. Bởi nếu hết nguồn hàng dự trữ, tác động của thiếu hụt urê sẽ lan ra cả nền kinh tế. “Có khoảng 10 triệu xe ô tô chạy động cơ diesel ở Hàn Quốc. Nhưng chúng ta chỉ có lượng dự trữ urê tối đa trong ba tháng. Nếu thiếu hut urê tiếp diễn trong dài hạn, mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ có thể đều chịu tác động”, Kim Sei-wan, giáo sư kinh tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nói.
Hệ lụy từ khủng hoảng thiếu hụt urê sẽ rất rõ ở một số ngành. Đơn cử, các nhà thầu có thể buộc phải ngừng thi công tại các công trường xây dựng, do không tiếp cận được nguồn cung hoặc các chủng loại thiết bị cần thiết. Tại nhiều công trường, lượng dung dịch urê hiện chỉ còn đủ dùng trong khoảng 12 ngày.
Chính phủ Hàn Quốc đang huy động các công ty tư nhân đẩy nhanh sản xuất, phân phối dung dịch urê, đồng thời tìm kiếm các hợp đồng nhập khẩu khẩn cấp. Tuần trước, Hàn Quốc sẽ điều một máy bay vận tải quân sự đến Australia để nhập về 27.000 lít urê. Đây cũng là lượng urê tối đa có thể chuyên chở an toàn bằng máy bay.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo 1,8 triệu lít urê do công ty hóa chất Lotte Fine sản xuất sẽ sớm được phân bổ tới 100 trạm xăng dầu trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã quyết định thành lập nhóm đặc trách chống đầu cơ, găm hàng tích trữ với dung dịch urê, yêu cầu các nhà sản xuất trong nước thường xuyên cập nhật sản lượng urê có trong kho.
Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi tại sao Hàn Quốc – một quốc gia có nền công nghệ chế tạo tiên tiến bậc nhất trên thế giới, lại rơi vào tình cảnh thiếu hụt trầm trọng một mặt hàng rất dễ để sản xuất như urê. Câu trả lời nằm ở chỗ nhiều nhà máy sản xuất urê tại Hàn Quốc đã đóng cửa vài năm trước, sau khi giới chủ nhận thấy rằng việc nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với sản xuất trong nước.
Thiếu hụt urê lần này cũng cho thấy mức độ lệ thuộc của Hàn Quốc – nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, với nguồn nhập khẩu nguyên nhiên liên liệu đầu vào để vận hành hoạt động sản xuất kinh tế và vì thế rất dễ bị tổn thương trước những tắc nghẽn bất chợt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một nghiên cứu mới đây cho thấy Hàn Quốc lệ thuộc vào riêng một nước đối với hơn 80% trong tổng 3.941 mặt hàng nhập khẩu. Mức độ lệ thuộc của Hàn Quốc với riêng Trung Quốc là 1.850 mặt hàng.
Khủng hoảng urê vì thế sẽ là lực đẩy hối thúc chính phủ đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, hoặc địa phương hóa sản xuất, tăng cường sản xuất các mặt hàng trong nước thay thế nhập khẩu. Mục tiêu là giảm lệ thuộc quá mức vào nguồn hàng nhập khẩu đầu vào từ một quốc gia.