Cụ thể là một số khu vực thuộc các tỉnh Oita, Miyazaki, Kumamoto và Kochi đã ghi nhận tình trạng rung lắc mạnh ở cường độ 5,0, trong khi nhiều địa phương khác trải dài từ phía Tây Nhật Bản đến các quần đảo Tokai, Hokuriku, Izu ghi nhận mức rung lắc từ 2,0 đến 4,0.
Qua các thông tin được gửi tới Trung tâm quản lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, tại các tỉnh Oita, Miyazaki, Kumamoto, Saga và Yamaguchi đã ghi nhận một vài trường hợp người dân bị thương nhẹ. Các vụ lở đá, đổ cây, sập tường, bục đường ống nước và mất điện cục bộ cũng xuất hiện tại một số địa điểm khác nhau.
Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân Kawauchi ở tỉnh Kagoshima, nơi ghi nhận rung lắc cường độ 4,0 và hiện đang vận hành tổ máy 1 và 2 không bị ảnh hưởng. Nhà máy điện hạt nhân Genkai ở tỉnh Saga và nhà máy điện hạt nhân Ikata ở tỉnh Ehime cũng chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường nào.
Tại khu vực Kyushu, tàu cao tốc phải giảm tốc độ, một số chuyến tàu điện thường phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra độ an toàn. Một số tuyến đường bộ tại tỉnh Oita, Miyazaki và Kumamoto cũng tạm dừng do bị cây đổ và nguy cơ sạt lở đá.
Đây là lần đầu tiên các rung lắc mạnh cường độ 5,0 được ghi nhận ở tỉnh Oita kể từ tháng 6/2017 và ở tỉnh Miyazaki kể từ tháng 4/2016. Ông Shinya Tsukada, Trưởng phòng Giám sát động đất và sóng thần của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) yêu cầu người dân ở các khu vực này cần nâng cao cảnh giác do khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra các dư chấn tương tự trong khoảng 1 tuần tới.