Hầu hết các nước trên thế giới đang tích cực ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… để giành thế chủ động, sẵn sàng đối phó với dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Giám sát dịch để khôi phục cuộc sống
Ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước, qua đó cơ quan chức năng có thể quản lý kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, kiểm soát hoạt động di chuyển, phát hiện người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19… Thông qua việc quét mã QR, những ứng dụng như vậy được coi là “giấy chứng nhận điện tử” để người dân có thể đi lại, tham gia các hoạt động công cộng, vào nhà hàng, rạp hát, sân vận động, xuất nhập cảnh qua biên giới… Thậm chí ở nhiều nước, người lao động phải trình ứng dụng này mới được đi làm.
Tại Trung Quốc - nơi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới, nhà chức trách đã dựa trên AI, công nghệ dữ liệu lớn (big data) và dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành để tích hợp thành mã QR y tế trên hai nền tảng Wechat và Alipay. Không chỉ nhằm truy vết, ứng dụng của Trung Quốc còn có thể ước tính mức độ lây nhiễm virus và cấp mã QR cho mỗi người dân dựa trên phân loại theo màu. Màu Xanh lá cây, nghĩa là người dùng không bị lây nhiễm virus và được phép đi lại thoải mái. Màu Vàng cấp cho người có nguy cơ lây nhiễm, phải cách ly 1 tuần và màu Đỏ dành cho người phải cách ly 2 tuần.
Singapore đã sớm triển khai giải pháp "3 trong 1", gồm: TraceTogether (ứng dụng truy vết), TraceTogether token (thiết bị đeo bluetooth), SafeEntry (hệ thống check-in điện tử). Người dân Singapore chỉ cần sử dụng điện thoại cài sẵn ứng dụng TraceTogether hay thiết bị đeo token để quét mã QR thông qua SafeEntry tại các địa điểm lắp đặt, hoặc đơn giản là chạm điện thoại/token vào thiết bị SafeEntry để check-in. Chính phủ quản lý, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu liên quan tới các ứng dụng trên rất nghiêm ngặt. Những trường hợp cố ý tiết lộ dữ liệu, sử dụng dữ liệu sai mục đích có thể phải chịu phạt lên đến 5.000 SGD (hơn 84 triệu đồng) hay ngồi tù đến 2 năm, hoặc thậm chí có thể bị phạt bằng cả hai hình thức này.
Từ đầu năm nay, Campuchia cũng đưa vào sử dụng công nghệ mã QR “Stop Covid-19” tại những nơi có đông người qua lại. Mỗi khi ra vào, người dân sẽ quét mã QR và hệ thống sẽ ghi lại vị trí của họ, theo đó lực lượng chức năng có thể nhanh chóng truy vết trong trường hợp phát sinh ca mắc .
Nhờ tiềm lực quản lý dữ liệu cũng như sự liên thông trong khối, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất sử dụng ứng dụng CovPass-App, cho phép quét chứng nhận COVID-19 chung của EU, trong đó có sử dụng mã QR để khai báo hoặc nhập liệu thông tin y tế liên quan khi di chuyển xuyên biên giới. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu cũng vận hành ứng dụng riêng dành cho quản lý và truy vết COVID-19 trong nước. Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ trong việc dỡ bỏ dần các hạn chế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hồi tháng 4 vừa qua Pháp đã cập nhật thêm chức năng “sổ y bạ điện tử”, lưu giữ các kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm vaccine của người dùng vào ứng dụng TousAntiCovid, vốn được triển khai ttừ giữa năm ngoái và hiện có tới hơn 14 triệu người dùng. Các nước khác sử dụng ứng dụng riêng với các tên gọi khác nhau như Corona-Warn-App (Đức), Immuni (Italy), Radar Covid (Tây Ban Nha), Smittestop (Đan Mạch)…
Mỹ, New Zealand... cũng đã dùng AI, máy đo thân nhiệt kỹ thuật số, camera thông minh để phát hiện triệu chứng bệnh; dùng hệ thống định vị, camera, ứng dụng điện thoại và mã QR để truy vết những ca nhiễm, đi đến quyết định có cách ly hay không và theo dõi người bị nhiễm thế nào. Việc đăng ký, theo dõi tiêm vaccine, chứng nhận tiêm chủng, phân luồng vaccine... đều được chuẩn hóa và trên nền tảng công nghệ nhất quán.
Việt Nam cũng đã sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế có tính năng quét mã QR để ghi nhận việc đến các địa điểm công cộng, đăng ký tiêm vaccine... Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn tất thống nhất các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch COVID-19, bao gồm kết nối các dữ liệu dân cư, tiêm vaccine, sổ sức khỏe, xét nghiệm trên Ứng dụng phòng, chống COVID 19 (gọi tắt là PcCOVID), để người dân chỉ cần sử dụng một ứng dụng duy nhất mà vẫn có được mọi thông tin về phòng chống dịch, kể cả xét nghiệm và tiêm chủng.
Những hình thức chứng nhận điện tử như vậy đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Nhiều nước đã sử dụng "Hộ chiếu vaccine", "Thẻ xanh"... cho phép người dân tham gia các hoạt động công cộng, đi du lịch... EU đã sử dụng chứng nhận này để khôi phục hoạt động du lịch cả nội khối và quốc tế. Việt Nam đã thí điểm áp dụng "hộ chiếu vaccine" với 4 chuyến bay tới Quảng Ninh trong tháng 9 này, đồng thời đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR.
Tại Italy, người dân cần trình "thẻ xanh" mỗi khi muốn mua vé đi tàu, máy bay, xe khách hay tàu thủy, và từ giữa tháng 9 là để đi làm. Tại Pháp, bạn cần có chứng nhận miễn dịch nếu muốn vào nhà hàng, quán bar, tới bảo tàng hay tham gia các hoạt động công cộng khác. Ở Israel - một trong những nước có độ phủ vaccine lớn nhất thế giới - "thẻ xanh" vaccine cũng được áp dụng với hầu hết các địa điểm công cộng, cũng như tất cả những sự kiện giải trí như ca nhạc hay các trận bóng đá. Tại Thái Lan, chính phủ cấp "Thai Covid Pass" cho người đã tiêm chủng, qua đó tạo điều kiện cho họ thoải mái tới một số địa điểm như nhà hàng.
Duy trì mọi hoạt động bình thường
Công nghệ giúp giảm tiếp xúc là một trong những giải pháp đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới để duy trì trạng thái bình thường mới. Gần hai năm qua, thế giới đã dần quen với các cuộc họp, hội nghị được tổ chức qua hình thức trực truyến, hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, kể cả các hội nghị của Liên hợp quốc hay các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó công nghệ đóng vai trò then chốt. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 42 diễn ra tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib đã đề cao việc Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tổ AIPA-41 theo hình thức trực tuyến vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, mở đường cho Hội đồng Lập pháp Brunei tổ chức AIPA-42 theo định dạng trực tuyến tương tự trong năm 2021.
Những công nghệ giúp con người làm việc từ xa, dạy và học gián tiếp cũng đang được ứng dụng mạnh mẽ để duy trì mọi hoạt động trong đời sống kinh tế-xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, công nghệ đang giúp con người vẫn có thể thưởng thức các buổi biểu diễn nghệ thuật thông qua "nhà hát trực tuyến", thăm viện bảo tàng hay đi du lịch khắp nơi trên thế giới...
Ngay cả khi hoạt động du lịch trực tiếp được nối lại, những công nghệ giảm tiếp xúc vẫn phát huy hiệu quả. Nhiều khách sạn hàng đầu trên thế giới đã nhờ vào hệ thống quản lý khách sạn điện toán đám mây để mang lại cảm giác an tâm cho khách hàng trong quá trình lưu trú.
Khách sạn Sojo Hotels của Việt Nam đã ứng dụng mô hình "khách sạn không điểm chạm", trong đó khách lưu trú được làm quen với những trải nghiệm từ nhận và trả phòng, nhận khóa - mở phòng, khởi động hệ thống trang thiết bị trong phòng... hoàn toàn tự động thông qua hệ thống Sojo app (ứng dụng trên điện thoại thông minh). Khách lưu trú cũng có thể check-in/check-out tự động qua nhận diện Face ID (nhận diện khuôn mặt), dễ dàng tùy chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phòng theo sở thích, tâm trạng... người dùng. Cách này có thể hạn chế tối đa các tiếp xúc vật lý (nút bấm, công tắc, khóa cửa, rèm...), cũng như tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Trong khi đó, H3 - tòa nhà văn phòng quy mô lớn ở thủ đô Bucharest của Romania lại được xây dựng theo mô hình tòa nhà không COVID-19. Bạn chỉ cần vẫy tay để mở cửa. Một camera tầm nhiệt sẽ quét nhanh để xác định bạn có dấu hiệu sốt hay không. Nếu đang sốt, bạn sẽ được đưa vào 1 văn phòng cách ly, được trang bị hệ thống điều hòa và lọc không khí riêng. Nếu không sốt, bạn có thể tiến vào thang máy.
Hướng tới tương lai
Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch COVID-19 đang trở thành “chất xúc tác” để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên thế giới khi tiêu chuẩn vệ sinh, việc không tiếp xúc trực tiếp và các yếu tố liên quan đến sức khỏe được quan tâm hàng đầu. Dịch COVID-19 đã gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống nhưng lại trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế số phát triển. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng...
Với nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại thông minh, người sử dụng có thể gọi xe, giao-nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình… thậm chí người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Các giao dịch mua bán hàng hóa online và thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong những đợt dịch bùng phát, từ đó hình thành nên một thói quen mới cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Tại nhiều quốc gia, công nghệ và chuyển đổi số đang được coi là "vaccine" giúp nền kinh tế không chỉ vượt qua đại dịch mà còn phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); năm 2030 chiếm 30% GDP.
Trong bối cảnh đó, thói quen của con người cũng dần thay đổi để có thể thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển của thời đại công nghệ số. Vô hình trung, đại dịch đang tạo cơ hội cho bước thay đổi này, khiến công nghệ dần trở thành "bạn đồng hành" của con người trong giai đoạn "sống chung an toàn với COVID-19". Tuy nhiên, để tận dụng và phát huy hiệu quả tối đa vai trò của công nghệ trong trạng thái bình thường mới, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết được những vướng mắc, trong đó tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ là một trong những thách thức lớn nhất.