Tuy nhiên, nguy cơ sản lượng đầu đá phiến của Mỹ tăng cao đã thu hẹp biên độ tăng của giá dầu về cuối tuần, khiến mức tăng trong cả tuần trở nên khiêm tốn hơn.
Ngay từ đầu tuần (ngày 16/10), giá dầu thế giới tăng khoảng 1%, trong bối cảnh quân đội Iraq bắt đầu chiến dịch giải phóng thành phố giàu tài nguyên dầu mỏ Kirkuk của nước này vốn đang thuộc sự kiểm soát của lực lượng người Kurd.
Chiến dịch giải phóng thành phố Kirkuk được triển khai sau khi chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ngày 25/9 vừa qua tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này. Người dân tại tỉnh Kirkuk giàu dầu mỏ cũng tham gia cuộc trưng cầu này. Chính phủ Iraq khẳng định cuộc trưng cầu này là vi hiến, trong khi cộng đồng quốc tế lo ngại động thái này đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và làm suy yếu cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng cho rằng khả năng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là rất rõ ràng. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định liệu có tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Giới phân tích cho rằng việc khôi phục các biện pháp trừng phạt có thể gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Đáng chú ý, ngày 18/10, giá dầu thô của Mỹ bật lên mức cao nhất trong ba tuần qua, khi lãnh tụ tối cao nước này, Đại giáo chủ Ali Khamenei, ngày 18/10 khẳng định Iran sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, song cảnh báo nếu Mỹ "xé" thỏa thuận này thì "Iran cũng sẽ xé vụn nó". Lãnh tụ Iran nhấn mạnh Tehran không chấp nhận sức ép từ các nước châu Âu về chính sách khu vực và chương trình tên lửa của nước này.
Điểm tối duy nhất của thị trường dầu mỏ trong tuần này là phiên giao dịch ngày 19/10, khi dầu đảo chiều mất giá, dứt chuỗi bốn phiên tăng lien tiếp. Tại hội nghị Oil & Money ở London, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mohammad Barkindo, cho biết thị trường dầu mỏ đang cân bằng với “tốc độ nhanh” và OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt qua 100 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Dự báo nhu cầu trong năm 2017 của OPEC vẫn ở mức 96,8 triệu thùng/ngày.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 20/10, thị trường dầu mỏ lại quay đầu tăng nhẹ nhờ thông tin cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm tuần thứ ba liên tiếp.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2017 (vừa hết hạn vào ngày 20/10) tăng 18 xu Mỹ (0,4%), lên 51,47 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu loại này “nhích” nhẹ 2 xu Mỹ. Tại thị trường London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 12/2017 cũng tiến 52 xu Mỹ (0,9%), lên 57,75 USD/thùng. Giá dầu này tăng 1% cho cả tuần qua.
Theo báo cáo hàng tuần của từ Baker Hughes cho biết, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 7 giàn, còn 736 giàn, đồng thời ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp số giàn khoan tại Mỹ.
Tuy nhiên, Adrienne Murphy- Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade- nhận định rằng khi giá dầu dang hướng tới mốc 60 USD/thùng, nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng với các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ, khi họ có thể gia tăng sản xuất và khiến thị trường tiếp tục dư cung.