Bà Valentina Boldyreva bước ra khỏi ngôi nhà hai tầng của mình vào một buổi chiều chủ nhật tuyết rơi u ám để chào hỏi người chị gái 76 tuổi sống ở phía bên kia đường. Một hàng rào thép gai cao vượt đầu ngăn cách họ và chia đôi dọc con đường.
“Bạn có thấy chị tôi đang đi đến hàng rào không", bà Boldyreva nói. "Làm thế nào chúng ta nói chuyện với nhau?". -"Tôi không được phép đến gần," người chị Raisa Yakovleva nói khi đứng cách đó 100 m ở phía bên kia hàng rào.
"Cửa sổ của chúng tôi đang nhìn ra hàng rào thép gai suốt ngày lẫn đêm như thể nhìn ra một nhà tù", bà Boldyreva nói.
Nhưng đó không phải là một nhà tù. Đó là một hàng rào biên giới được Nga xây dựng hồi đầu năm nay, một sự khép lại mang tính biểu tượng của gần như tất cả các mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng.
Trên bản đồ, thị trấn Milove, nơi hai chị em bà Boldyreva sinh sống, là một ngôi làng, vắt qua con đường chính từng được đặt cái tên đầy ý nghĩa, Đường Hữu nghị Nhân dân. Phía bên Ukraine là Milove, phía bên Nga là thị trấn Chertkovo
Giống như hai chị em Boldyreva và Yakoleva, hầu như mọi cư dân của Chertkovo và Milove đều có thân nhân ở phía bên kia. Tại Milove, người ta nói cả tiếng Nga và tiếng Ukraine mà không biến ngôn ngữ thành một công cụ chính trị như nhiều nơi khác, vốn là một trong nhiều vấn đề làm gia tăng căng thẳng giữa Ukraine và Nga kể từ khi Bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Nga tháng 3/2014.
Trong quá khứ, cư dân Milove thường xuyên tự do băng qua đường - qua lại giữa hai quốc gia - trong lúc các anh lính biên phòng ngó lơ chỗ khác. Còn những ngày này, lính biên phòng Nga ở một bên và Ukraine một bên, liên tục tuần tra dọc theo con đường hoang vắng, giống như nơi tiền tuyến.
Hôm 30/11 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố rằng tất cả những người đàn ông Nga tuổi từ 16 đến 60 đều bị cấm nhập cảnh. Đó là dấu hiệu mới nhất của mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước láng giềng sau khi lực lượng tuần duyên Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine ở Biển Đen hôm 25/11. Đáp lại, Kiev đã công bố 30 ngày thiết quân luật tại các vùng biên giới nhằm tăng cường phòng thủ trước Nga.
Thực tế thì những hạn chế đối với người Nga vào Ukraine đã tồn tại từ vài năm qua ở Chertkovo, nằm sát Milove. Năm 2015, Ukraine đã thông qua một nghị định yêu cầu người Nga muốn qua biên giới phải sử dụng hộ chiếu du lịch nước ngoài, chứ không phải hộ chiếu nội địa. Rất ít người Nga sống ở các vùng nông thôn như Chertkovo có những giấy tờ như vậy.
Bốn năm rưỡi sau khi chiến sự nổ ra giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraine ở miền Đông Ukraine, chỉ có những phụ nữ lớn tuổi như bà Lidia Radchenko 73 tuổi mới đủ dũng cảm vượt qua biên giới Milove. Bà Radchenko có ba con trai sống ở Ukraine, trong khi một đứa con trai và một con gái sống ở Nga.
“Chúng tôi từng có những bữa tiệc tuyệt vời. Còn giờ thì chúng tôi sẽ tập trung ở giữa đường", Radchenko nói một cách chán nản. “Hàng rào đó giống như một trại tập trung”. Thậm chí đưa một lọ dưa chua cho người thân qua hàng rào thép gai ngăn cách hai bên cũng là một hành vi phạm tội.
Hầu hết những người Nga nói chuyện với hãng tin AP cho biết họ đã dừng lại không vào Ukraine ngay sau khi cuộc chiến năm 2014 nổ ra.
Ngồi trong cửa hàng bán phần cứng của mình ở Chertkovo, ông Alexander Petukhov, 59 tuổi, cho biết ông đã phát hoảng khi nghe lời kể của những người Nga bị trục xuất sau khi băng qua con đường Hữu nghị ở Milove. Kể từ đó, ông đã cắt đứt quan hệ kinh doanh với nhà cung cấp chính của mình ở Kharkiv, thành phố lớn ở Đông Ukraine.
“Chúng tôi từng sống như những người tự do. Tất cả dừng lại khi cuộc chiến bắt đầu.", ông Petukhov nói.
Cửa khẩu biên giới chính ơ Milove, nơi mà dòng xe thường xếp hàng dài một dặm trước chiến tranh, nay gần như bị bỏ hoang vào chủ nhật.
Cuộc sống một thời nhộn nhịp giữa Milove (Ukraine) và Chertkovo (Nga) giờ đây gần như trống rỗng, chỉ với một vài người đi từ Ukraine sang Nga, trong số đó có Olga Yevgenyevna 54 tuổi và chồng cô.
Khi Yevgenyevna kết hôn với một người đàn ông sống trong ngôi làng ở bên phía Ukraine, cô chuyển tới đó vào cuối những năm 1980. Bây giờ thì người mẹ và anh trai đã cao tuổi của bà sống ở Nga và không thể đến thăm bà. "Tôi nói với mẹ tôi rằng khi tôi chết, không ai đến chôn tôi bởi vì người Nga không được phép sang", bà Yevgenyevna buồn bã.