Dù số ca nhiễm vẫn thấp hơn con số ghi nhận tại Trung Quốc đại lục đến thời điểm này, song với 683 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, tổng số bệnh nhân tử vong tại quốc gia châu Âu này đã lên 7.503 người, cao hơn gấp đôi so với số người chết do dịch bệnh tại Trung Quốc. Italy đã trở thành nước có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Lombardy vẫn là "vùng tâm dịch" lớn nhất ở miền Bắc, với tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 32.346 (tăng 1.643 ca). Số ca tử vong tăng thêm 296, nâng tổng số bệnh nhân tử vong ở vùng này lên 4.474. Trong tổng số 11.262 ca nhập viện có 10.026 ca xuất hiện các triệu chứng và 1.236 ca phải chăm sóc tích cực.
Mặc dù vậy, theo cơ quan trên, hiện Italy đã điều trị thành công cho 9.362 ca, tăng 1.036 ca so với một ngày trước đó. Ngày 25/3 được ghi nhận là ngày thứ tư có tốc độ lây nhiễm giảm.
Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến hết ngày 25/3 (giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 37.179 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 206 ca tử vong, tăng 49 ca so với một ngày trước đó. Mặc dù số ca tử vong thấp, nhưng số ca nhiễm virus tại Đức đang tăng mạnh, với 4.332 ca tăng thêm trong một ngày, cao thứ hai sau Italy.
Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết các bang có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất là Nordrhein-Westfalen - với 9.686 ca nhiễm, 66 ca tử vong, Bayern - 7.289 ca nhiễm, 41 ca tử vong và Baden-Württemberg- 7.252 ca nhiễm, 56 ca tử vong. Thủ đô Berlin ghi nhận 1.645 ca nhiễm và 4 ca tử vong.
Theo tờ die Welt (Thế giới), Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn và Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức - ông Helge Braun đều thống nhất quan điểm với các quan chức và các nhà khoa học rằng, Đức không thể duy trì tình trạng khẩn cấp quá lâu. Và trong tương lai gần, việc hạn chế có khả năng áp dụng chủ yếu đối với người già và những người mắc bệnh trước đó. Những hạn chế trong hoạt động đời sống kinh tế và công cộng càng kéo dài sẽ gây ra thiệt hại càng lớn, cả về kinh tế lẫn con người.
Trong một tuyên bố, ông Helge Braun cho biết những hạn chế hiện tại sẽ được nới lỏng trước tiên đối với những người trẻ tuổi và khỏe mạnh, đặc biệt nhóm người trẻ tuổi không thuộc nhóm nguy cơ, được phép đi lại nhiều hơn trên đường phố. Ngoài ra, giới chức nước này sẽ phải kiểm tra liên tục, phát hiện người nhiễm bệnh và theo dõi các mối liên hệ của họ. Theo ông Braun, Đức hiện áp dụng các biện pháp tương tự như tại Việt Nam và Singapore, nơi chính quyền đã kiểm soát rất tốt sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn nguồn tin từ Ban Tác chiến phòng chống dịch của thủ đô Moskva cho biết đã có hai ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này. Đây là những bệnh nhân cao tuổi, một người 88 tuổi và một người 73 tuổi, được xác nhận bị viêm phổi và có các bệnh lý nền.
Cơ quan trên đã yêu cầu tất cả người già và người mắc bệnh mạn tính tuân thủ nghiêm ngặt chế độ tự cách ly tại nhà.
Theo dữ liệu mới nhất của Nga, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Moskva đã lên tới 410, tăng 120 ca so với ngày 24/3, trong đó số bệnh nhân được điều trị thành công là 15 người.
Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Anh xác nhận Phó Đại sứ nước này tại Hungary Steven Dick (Xti-vân Đích), 37 tuổi, đã tử vong sau khi xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.
Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với sức ép tăng cường việc xét nghiệm trong dân chúng và các nhân viên y tế vì ngày càng nhiều ý kiến quan ngại rằng thiếu chẩn đoán xét nghiệm đang cản trở những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh. Phát biểu tại Hạ viện chiều 25/3,Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ đang hướng tới đạt được năng lực xét nghiệm 250.000 ca/ngày vào cuối tháng Tư tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, giới chức y tế xứ England thừa nhận hiện nay Anh đang thiếu các bộ xét nghiệm và các chuỗi cung ứng thuốc liên quan đến xét nghiệm, điều trị COVID-19 vì tất cả các nước đều có nhu cầu mua các bộ thử và các thiết bị liên quan. Hiện nay ngành y tế Anh vẫn chưa thể tiến hành xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế và những người làm việc liên quan đến lĩnh vực y tế đang trong tình trạng tự cách ly. Các bác sĩ và y tá đang phàn nàn về tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm và các thiết bị bảo hộ cá nhân dẫn đến tình trạng nguy cơ lây nhiễm cho các các bộ ngành y tế và các bệnh nhân.
Ông Jeremy Hunrt, cựu Bộ trưởng Y tế Anh, Chủ tịch Ủy ban Y tế tại Hạ viện, đã kêu gọi chính phủ áp dụng việc kiểm tra hằng tuần đối với các nhân viên y tế để họ an tâm là không bị nhiễm từ bệnh nhân.
Chính phủ cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm kiểm tra kháng thể trên diện rộng để xác định những người có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính phủ hiện đã đặt 3,5 triệu bộ kiểm tra kháng thể và đang đặt thêm nhiều triệu bộ nữa. Kết quả kiểm tra kháng thể trên diện rộng sẽ không chỉ cho phép người được kiểm tra biết liệu họ có khả năng bị nhiễm thêm không và còn có thể giúp trả lời hai câu hỏi lớn về COVID-19, đó là làm thế nào virus lây lan trong cộng đồng lại có triệu chứng rất mờ nhạt hoặc không có biểu hiện gì, và liệu việc nhiễm này có tạo ra phản ứng miễn nhiễm bền vững đối với dịch bệnh hay không. Việc trả lời được hai câu hỏi lớn này vô cùng quan trọng đối với chính phủ trong các quyết định có nới lỏng các biện pháp dãn cách xã hội hay không và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2.