Thế khó của chính phủ Pháp liên quan dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi

Pháp bước vào thời kỳ bất ổn chính trị mới khi chính phủ đưa ra một cải cách hưu trí gây tranh cãi thông qua quốc hội mà không cần bỏ phiếu và viện dẫn một biện pháp hành pháp đặc biệt.

Chú thích ảnh
Các nghị sĩ Pháp giơ cao biểu ngữ phản đối nâng tuổi nghỉ hưu trong phiên họp của quốc hội nước này ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Theo mạng tin Euractiv.fr (Pháp), Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã sử dụng một thủ tục pháp lý đặc biệt để thông qua dự luật cải cách tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 16/3, nhưng lại dẫn đến một mối nguy hiểm khác trước sự bất đồng ngày càng tăng của các nghị sĩ.

Dự luật hưu trí nhằm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 vốn đã gây ra biểu tình ở Pháp nhiều tuần qua. 

Theo kế hoạch ban đầu, sau một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện vào 16/3, Quốc hội Pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu về nội dung này.

Tuy nhiên, lo sợ không đạt được đa số, bà Borne đã tuyên bố thông qua dự luật sau khi tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Emmanuel Macron. Bà viện dẫn Điều 49.3 của Hiến pháp, theo đó một đạo luật được coi là thông qua mà không cần bỏ phiếu nếu không có kiến ​​nghị nào từ các đại biểu Quốc hội.

Động thái trên được cho là sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ. Một số nhóm đối lập, từ cánh tả (NUPES) và cực hữu (Rassemblement National), đã thông báo rằng họ sẽ đưa ra kiến ​​nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Để được thông qua, kiến nghị này phải được tán thành bởi đa số tuyệt đối, nghĩa là 289 phiếu “ủng hộ”.

Các nghị sĩ Pháp đã nhiều lần cố gắng đưa ra một kiến ​​nghị như vậy vào cuối năm 2022 nhưng không bao giờ thu thập đủ số phiếu để lật đổ chính phủ.

Nhưng sự khác biệt lần này là một số nghị sĩ cánh hữu phản đối cải cách lương hưu, những người không tán thành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trước đây, cho biết rằng họ muốn ủng hộ điều này ngay lập tức.

Tổng thống Macron đã nhiều lần đề cập đến khả năng giải tán Quốc hội trong trường hợp chính phủ bị lật đổ sau một kiến ​​nghị bất tín nhiệm.

Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cho biết sau tuyên bố của bà Borne rằng thủ tướng “phải ra đi”. “Chúng tôi sẽ buộc Thủ tướng Borne phải từ chức”, bà Le Pen tuyên bố. Về phần mình, nghị sĩ Pháp Fabien Roussel đã chỉ trích thủ tướng “không dân chủ” và không lắng nghe những người phản đối cải cách, cả trên đường phố và trong quốc hội.

Với việc phe đối lập chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và các công đoàn đe dọa sẽ tổ chức thêm các cuộc đình công, nước Pháp đã trải qua một ngày đầy kịch tính trên chính trường.

Đến tối 16/3, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Place de la Concorde, bên kia sông Seine, gần tòa nhà quốc hội. Cảnh sát bắn hơi cay khi những người biểu tình tức giận ném đá vào các nhân viên an ninh. Ở một số thành phố khác của Pháp, bao gồm cả Marseille, cũng có những cuộc biểu tình tự phát phản đối cải cách hưu trí. Các công đoàn Pháp kêu gọi thêm một ngày đình công phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu vào ngày 23/3.

Công Thuận/Báo Tin tức
Đình công tại Pháp gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và nhiên liệu
Đình công tại Pháp gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và nhiên liệu

Pháp đang đối mặt cuộc đình công quy mô lớn do các nghiệp đoàn tiến hành nhằm phản đối các biện pháp cải cách lương hưu của chính phủ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN