Thomas Wong tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ, sau đó gia nhập Lục quân và được điều động tới các vùng chiến sự của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, khi anh trở thành một nhân viên ngoại giao, Bộ Ngoại giao nước này đã cấm công dân New Jersey này nhận vị trí làm việc tại Trung Quốc do lo ngại về an ninh. “Tôi cảm thấy lòng trung thành của tôi bị nghi ngờ. Tôi tin rằng chủng tộc là một yếu tố dẫn đến quyết định này”, Wong chia sẻ với phóng viên CNN.
Trong khi đó, đại diện bang New Jersey, Andy Kim – một cựu nhân viên ngoại giao và từng là cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Tướng David Petraeus hoạt động tại Afghanistan – bị cấm làm việc tại Hàn Quốc hay thậm chí làm về các vấn đề liên quan. “Tôi nhận thấy rõ ràng chính phủ và nơi tôi làm việc không tin tưởng mình hoàn toàn. Đó là một trải nghiệm đầy đau đớn và tổn thương”, Kim – công dân Mỹ sinh ra tại Boston – cho hay.
Michael Young sinh sống tại San Francisco đã có 10 năm làm nhân viên ngoại giao Mỹ và hiện phục vụ trong lực lượng Lục quân Trừ bị. Trong thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao, lãnh đạo cơ sở đã hai lần từ chối đơn xin sang Trung Quốc của Young. “Lần thứ 2 tôi bị từ chối, tôi vẫn tiếp tục lên tiếng đòi quyền lợi nhưng kết quả chẳng đi tới đâu. Đến thời điểm đó, tôi nhận ra mình đã chịu đựng đủ rồi”, Young chỉ rõ lý do anh xin nghỉ việc.
Các nhân viên ngoại giao gốc Á tại Mỹ cho hay trong khi nỗ lực phục vụ cho quốc gia, họ vẫn vấp phải những rào cản bất bình đẳng trong việc đối xử tại công sở như chờ đợi được cấp trạng thái thông quan an ninh hay các lệnh cấm nơi họ có thể làm việc… Mặc dù những nỗ lực nhằm thay đổi hệ thống của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể, song trong bối cảnh Mỹ ngày càng tập trung cho tầm quan trọng chiến lược của châu Á, sự cạnh tranh với Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, nỗi lo ngại của các nhân viên ngoại giao gốc Á đang nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu thực hiện nỗ lực đầy tham vọng nhằm cải thiện tính đa dạng và bình đẳng về chủng tộc tại Bộ Ngoại giao. Dự kiến ông Blinken sẽ có một thông báo về vấn đề này trong một vài tháng tới.
Đại diện bang California của đảng Dân chủ Ted Lieu cho biết quy định hạn chế phân công nhiệm vụ đối với các nhân viên ngoại giao gốc Á không chỉ tước đi cơ hội thăng chức của những nhân viên đó mà còn tác động tới việc tuyển dụng và giữ chân người lao động. Điều này sẽ tước đi lợi thế của Mỹ về khả năng đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.
Trong thư gửi tới các nhà lập pháp Hạ viện được công bố vào năm 2018, có tới 166 nhân viên ngoại giao gốc Á bị ảnh hưởng từ quy định hạn chế phân công công việc trong năm 2015. Đến năm 2017, con số đã tăng gấp đôi lên 307.
Các nhân viên ngoại giao người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) chia sẻ về sự căng thẳng, nỗi lo âu và những nỗi đau mà các quy định hạn chế phân công nhiệm vụ gây ra đối với họ, đặc biệt là vào thời điểm sự thù hận nhằm vào người châu Á ngày càng lan rộng. Một cuộc khảo sát năm 2020 do Hiệp hội Đối ngoại Người Mỹ gốc Á của Bộ Ngoại giao thực hiện cho thấy 70% số người được hỏi tin rằng quy trình hạn chế phân công nhiệm vụ mang tính thiên vị và 41% tin rằng hoàn toàn có sai sót trong quy trình này.
"Tôi luôn được nói rằng đa dạng chủng tộc là lợi thế của chúng tôi nhưng tôi không hề cảm nhận được điều đó từ những trải nghiệm của chính mình”, ông Kim cho hay.
Các vụ việc liên quan đến hạn chế phân công nhiệm vụ thường do Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách. Theo Sổ tay Hướng dẫn Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ, quy định hạn chế này được áp dụng “nhằm ngăn chặn việc trở thành mục tiêu tiềm ẩn của các lực lượng tình báo nước ngoài cũng như giảm bớt sự ảnh hưởng từ nước ngoài”, ví dụ đối với trường hợp một nhân viên ngoại giao hay người thân của họ vẫn duy trì quốc tịch đối với quốc gia còn lại hoặc có liên hệ nước ngoài tại đó.
Quy định hạn chế phân công nhiệm vụ có hiệu lực ngay trước khi nhân viên bắt đầu công việc.
Yuki Kondo-Shah – một người Mỹ gốc Nhật Bản sinh ra tại California – được chọn làm việc tại Lãnh sự quán Mỹ ở Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng 11/2016. Sáu tuần trước khi bắt đầu bay sang Nhật Bản nhận nhiệm vụ, với tấm vé trên tay và sắp xếp chỗ ở sẵn sàng, Cục An ninh Ngoại giao Mỹ gửi thư cho Yuki nói rằng cô không thể đến Nhật Bản làm việc. Yuki là một trong số các nhân viên ngoại giao gặp khó khăn khi công việc bị hủy vào phút chót do quy định hạn chế phân công gây ra.
Ngoài các hạn chế về phân công nhiệm vụ, các nhân viên ngoại giao AAPI đôi khi phải chờ đợi quá lâu để được cấp phép thông quan an ninh đến mức họ đánh mất cơ hội làm việc và thực tập, trong khi các đồng nghiệp không phải là người châu Á dường như chỉ mất vài tháng để nhận được sự chấp thuận.
Các nhân viên ngoại giao và những người ủng hộ nói rằng tình trạng trên đã làm giảm tinh thần và tước đi cơ hội cá nhân, đồng thời gây tổn thất cho thể chế và an ninh quốc gia của Mỹ. Kết quả là nhiều nhân ngoại giao đã từ bỏ giấc mơ và nghỉ việc.