Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu năng lượng
Tờ Global Times đưa tin tình trạng cắt điện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra ở 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc ngày 27/9. Theo Global Times, tình trạng khan hiếm năng lượng tại Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm đã “gây gián đoạn cuộc sống thường nhật của người dân cũng như các hoạt động kinh tế”.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết tình trạng thiếu năng lượng cũng xảy ra tại tỉnh Quảng Đông vốn là một trong những trung tâm công nghiệp và vận tải biển của Trung Quốc. Các quan chức địa phương ngày 27/9 xác nhận nhiều công ty đã chỉ hoạt động sản xuất 2-3 ngày trong tuần.
Từ ngày 24/9, nhiều địa điểm khắp Đông Bắc Trung Quốc rơi vào cảnh mất điện. Hàng dài xe ô tô nối đuôi nhau do đèn giao thông không còn hoạt động. Doanh số bán nến tăng lên gấp 10.
Tình trạng mất điện khiến các nhà máy chật vật trong hoạt động, gia tăng gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đối mặt với nhiều vấn đề về dịch COVID-19. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs vào ngày 28/9 đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,8% với lý do “cắt giảm sản lượng mạnh trong những ngành công nghiệp cần tiêu thụ nhiều năng lượng”.
Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 30/9 đưa tin rằng Bắc Kinh nhấn mạnh lý do chính dẫn đến tình trạng thiếu điện là do giá than đá tăng và nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh tại các nhà máy. Theo truyền thông Trung Quốc, giá than đá tăng bắt nguồn từ sản lượng khai thác giảm từ các vụ tai nạn trong thời gian qua, cũng như hạn chế tiếp cận nhập khẩu và các điều tra tham nhũng.
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than đá Australia từ năm 2020 do căng thẳng ngoại giao. Theo phân tích của công ty nghiên cứu Lantau, giá nhiên liệu quá cao khiến nhiều nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc quyết định không hoạt động vì sợ thua lỗ.
Mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý cung và cầu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng thực trạng này xuất phát từ việc Trung Quốc đã tập trung vào mục tiêu "kiểm soát kép" của chính phủ nhằm quản lý mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải của ngành công nghiệp. Đầu năm nay, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi 9 tỉnh tăng tiêu thụ năng lượng trong nửa đầu năm. Kết quả là các tỉnh này không đạt được mục tiêu cuối năm.
Tại một số địa phương, các cơ quan chức năng viện dẫn cam kết tiêu thụ năng lượng khi họ yêu cầu các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng để tránh tăng điện vượt quá công suất của lưới điện địa phương, dẫn đến hoạt động của nhà máy giảm đột ngột. Một số nhà phân tích đánh giá rằng điều này tương đương với việc các chính quyền địa phương buộc phải lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và đáp ứng mục tiêu về lượng khí thải.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cam kết Bắc Kinh sẽ ngừng xây dựng các nhà máy năng lượng than đá ở nước ngoài. Trước đó, vào tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ đạt đỉnh lượng khí thải carbon dioxide trước năm 2030 và đạt “mức độ trung hòa carbon” vào năm 2060.
Tờ Washington Post cho rằng việc chuyển hệ thống năng lượng của Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào than đá sang năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời và thủy điện là công việc khó khăn với ông Tập Cận Bình. Theo công ty nghiên cứu Rhodium, Trung Quốc tạo ra hơn một nửa năng lượng than đá của thế giới và chiếm tới 27% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu vào năm 2019.
Ông Fumio Kishida nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 29/9, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã chọn ông Fumio Kishida là nhân vật kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga lãnh đạo đảng. Nhiều khả năng ông Fumio Kishida sẽ giữ ghế Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng 10.
Trong bài phát biểu sau chiến thắng, ông Kishida cho biết sẽ "bắt đầu chạy hết tốc lực" để hướng tới "một tương lai tươi sáng cho Nhật Bản". Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn với số ca mắc COVID-19 mới tăng và sự thất vọng ngày càng tăng của các doanh nghiệp về con đường thoát khỏi đại dịch.
Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ phải đảm nhận vận hành chính sách đối ngoại và đối nội của Nhật Bản, xác định mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các đối tác khu vực khác, đồng thời định hình lập trường của đất nước về quốc phòng, kinh tế và các vấn đề xã hội.
"Cuộc khủng hoảng quốc gia của Nhật Bản sẽ tiếp diễn. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực với quyết tâm lớn để thực hiện các biện pháp chống lại COVID-19. Ngoài ra, chúng ta phải phát triển kinh tế vững chắc với quy mô vài chục nghìn tỷ vào cuối năm nay. Hơn nữa, có nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tương lai Nhật Bản như chủ nghĩa tư bản mới, việc công nhận Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như các biện pháp chống lại tỷ lệ sinh giảm", ông Kishida bổ sung trong bài phát biểu.
Cuộc đua trở thành lãnh đạo LDP trong năm nay được coi là khó đoán định nhất trong nhiều thập niên qua với cả 4 ứng cử viên là ông Kishida, Bộ trưởng vaccine Taro Kono, Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi cùng thành viên Hạ viện Seiko Noda đều nhận mức phiếu đa số trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Đến vòng bầu cử ngày 29/9, ông Kishida nhận được tổng cộng 257 phiếu bầu và đánh bại và Kono nhận được 170 phiếu bầu.
Ông Kishida giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017 dưới thời cựu Tổng thống Shinzo Abe. Các nhà phân tích cho rằng ông được coi là người xây dựng sự đồng lòng, người đại diện cho ổn định. Đây là lần thứ hai ông tham gia cuộc đua trở thành lãnh đạo LDP.
Giáo sư Stephen Nagy tại trường đại học Cơ đốc giáo quốc tế trụ sở ở Tokyo nhận định: “Người dân Nhật Bản nghĩ về ổn định và ngăn chặn các thay đổi cấp tiến. Còn ông Kishida lại đại diện cho bền vững và ổn định”.
Ông Kishida khi vận động tranh cử đã nhấn mạnh đến thu hẹp khoảng cách thu nhập. Ông còn cho rằng năng lượng nguyên tử nên được coi là một lựa chọn cho năng lượng sạch và đề xuất gói hồi phục kinh tế lớn.
Các nhà phân tích đánh giá rằng câu hỏi hiện nay là liệu Nhật Bản có thể quay trở lại giai đoạn ổn định chính trị và ông Kishida trở thành một lãnh đạo lâu dài.