Đảng Cộng hòa vinh danh Tổng thống Trump
Trong 4 ngày 24-27/8, đảng Cộng hòa đã tổ chức Đại hội toàn quốc chính thức đề cử Tổng thống Donald Trump trở thành đại diện đảng chạy đua trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Không chỉ tổ chức các bài phát biểu trực tuyến hoặc được ghi sẵn từ trước của các diễn giả như kỳ đại hội của đảng Dân chủ, đại hội của đảng Cộng hòa còn là tập hợp các sự kiện trực tiếp và được ghi hình với tần suất tương tác nhiều hơn. Tuy nhiên, vì đại dịch COVID-19, đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa bắt đầu tại Charlotte, bang North Carolina với quy mô nhỏ chỉ 300 người.
Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra mang chủ đề “Vinh danh Câu chuyện nước Mỹ vĩ đại”, tái hiện câu chuyện về nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Ngay trước ngày khai mạc đại hội, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa công bố không có cương lĩnh mới, chỉ khẳng định đảng sẽ tiếp tục hậu thuẫn triệt để cho nghị sự “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.
Với sự góp mặt của nhiều nhân vật quen thuộc ủng hộ Tổng thống Trump, trong đó chiếm một nửa danh sách diễn giả là các thành viên trong gia đình ông, đại hội toàn quốc trở thành sân khấu để đảng Cộng hòa nhấn mạnh những thành tựu kinh tế dưới thời Tổng thống Trump đồng thời vẽ ra viễn cảnh đen tối về một nước Mỹ tương lai nếu ứng viên đảng Dân chủ - cựu Phó tổng thống Joe Biden – đắc cử.
Tổng thống Trump nói về đảng Dân chủ trong bài phát biểu tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa từ khu vườn phía Nam Nhà Trắng trước mặt khoảng 1.000 người tham dự: “Tôi muốn hỏi các bạn một câu đơn giản: Làm thế nào đảng Dân chủ có thể lãnh đạo đất nước khi dành quá nhiều thời gian chia rẽ đất nước như vậy. Lá phiếu của các bạn sẽ quyết định liệu chúng ta có bảo vệ được những người Mỹ tuân thủ luật pháp hay chúng ta trao quyền kiểm soát tự do cho những kẻ phi chính phủ đầy bạo lực, những kẻ kích động và các tên tội phạm đe dọa công dân. Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta sẽ bảo vệ cuộc sống của người Mỹ hay chúng ta sẽ cho phép một phong trào cực đoan hoàn toàn phá hủy nó”.
Tờ New York Times so sánh cơ hội của Tổng thống Trump ở sự kiện đại hội lần này giống với đại hội đảng Cộng hòa ở New Orleans vào tháng 8/1988. Vào thời điểm đó, ứng cử viên George H. W. Bush (ông Bush “cha”) đã tận dụng được cơ hội tấn công vào những hồ sơ bất lợi của ứng cử viên đối thủ Michael Dukakis để tạo ra bước ngoặt lịch sử - dẫn dắt đảng Cộng hòa có nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp tại Nhà Trắng.
Hiện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quan trọng nhất khi chỉ cách ngày bỏ phiếu được ấn định hơn 2 tháng nữa. Mặc dù trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc, ứng viên đảng Dân chủ Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump với 9 -10 điểm phần trăm, song nhiều nhà phân tích cho rằng chiều hướng này có thể thay đổi vì Tổng thống Trump vẫn âm thầm thu hút cử tri về phía mình.
Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được cải thiện trong mắt cử tri da trắng và cử tri đảng Cộng hòa cũng dần quan tâm hơn tới bầu cử Mỹ, đặc biệt là sau đại hội đảng Dân chủ.
Sau đại hội toàn quốc, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tiếp tục tiến trình bầu cử với việc tham gia 3 cuộc tranh luận trực tiếp. Tổng thống Trump và ông Biden sẽ có cuộc tranh luận đầu tiên tại trường Đại học Case Western Reserve, thành phố Cleveland, bang Ohio vào ngày 29/9.
Thủ tướng Nhật Bản từ chức
Ngày 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo từ chức với lý do về sức khỏe. "Mặc dù còn một năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ của mình và còn rất nhiều thách thức phải đối mặt, tôi đã quyết định từ chức", ông Abe phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo. Ông nói thêm rằng bản thân muốn xin lỗi người dân Nhật Bản vì không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.
Theo kênh CNN, nhà lãnh đạo 65 tuổi này bị viêm đại tràng kinh niên. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Abe từng xin từ chức thủ tướng vào năm 2007, kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên chỉ sau hơn một năm tại vị. Sáng 24/8, Thủ tướng Abe đã đến bệnh viện Đại học Keio (Tokyo). Đây là lần thứ hai ông đến bệnh viện trong một tuần.
“Trong gần 8 năm, tôi đã kiểm soát được căn bệnh mãn tính của mình. Tuy nhiên, hồi tháng 6 năm nay, tôi đã đi khám sức khỏe định kỳ và có dấu hiệu phát bệnh trở lại. Tôi nhận thấy mình không nên tiếp tục vị trí này. Tôi cần chiến đấu với bệnh tật và cần được điều trị”, Thủ tướng Abe cho biết.
Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ không đề cập đến tên của người có khả năng kế nhiệm. Theo danh sách dự đoán của trang mạng Bloomberg, một số gương mặt tiềm năng có thể kế nhiệm Thủ tướng Abe bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (63 tuổi), Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono (57 tuổi), cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (63 tuổi), Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga (71 tuổi) và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso (79 tuổi).
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đang cân nhắc ngày 15/9 tới tổ chức bầu chọn lãnh đạo đảng kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Người nắm giữ chức Chủ tịch LDP gần như chắc chắn sẽ đồng thời giữ chức thủ tướng.
Ông Shinzo Abe đã trở thành người giữ kỷ lục về số ngày tại vị liên tục lâu nhất trong vai trò thủ tướng Nhật Bản, với 2.799 ngày kể từ khi quay lại ghế thủ tướng vào cuối năm 2012. Một trong những di sản nổi bật nhất mà Thủ tướng Abe để lại là chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.