Thế giới tuần qua: Thượng đỉnh liên Triều chuyền trái bóng hoà bình sang sân Mỹ

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên nắm chặt tay Tổng thống Hàn Quốc giơ lên cao và cùng tươi cười trên đỉnh núi thiêng Paekdu trong tuần qua là tín hiệu cho thiện chí hòa bình giữa hai quốc gia. Giờ đây quả bóng thúc đẩy hòa bình Bán đảo Triều Tiên đã nằm trên sân của Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các phu nhân khi ở trên núi Paektu. Ảnh: Reuters

Năm 2018 này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử giữa Triều Tiên và Hàn Quốc – hai quốc gia về kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến năm 1950-1953 mới chỉ tạm dừng bằng việc ký kết hiệp định đình chiến ngày 27/7/1953.

Tuy nhiên, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong tuần này được đánh giá đạt được tiến triển đáng kể trong con đường đưa hòa bình đến Bán đảo Triều Tiên.

Kể từ năm 2007, ông Moon Jae-in là Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên đến thăm Bình Nhưỡng. Khi đặt chân đến thủ đô Triều Tiên ngày 18/9, Tổng thống Moon Jae-in đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và người dân địa phương (video dưới, nguồn: Guardian)

Sau chương trình nghị sự tại nhà khách Paekhwawon ở ngoại ô Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chính thức ký "Tuyên bố chung tháng 9" vào ngày 19/9.

"Tuyên bố chung tháng 9" có nhiều nội dung nổi bật như nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấp thuận ngừng hoạt động của cơ sở thử và phóng tên lửa Tongchang-ri dưới sự giám sát của chuyên gia quốc tế.

Triều Tiên đồng ý sẽ từ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có “biện pháp tương xứng”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ sẽ thăm Seoul trong tương lai gần, có thể ngay tháng 12 tới.

Theo nội dung của "Tuyên bố chung tháng 9", Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng bắt tay tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2032. Cùng ngày 19/9, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đặt bút ký hiệp ước quân sự.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 18-20/9) tới Triều Tiên với nhiều kết quả được ghi nhận, đã chia sẻ với báo giới rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể từ bỏ các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng trong thời gian gần và quả bóng nay đã về sân của Mỹ.

Hiện tại, mọi con mắt đổ dồn về New York nơi tổ chức kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Moon Jae-in sẽ cùng tham dự. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định sẽ chuyển thông điệp riêng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới người đồng cấp Trump khi hai ông gặp gỡ bên lề kỳ họp.

Tổng thống Moon Jae-in cho biết: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kỳ vọng hoàn thành phi hạt nhân nhanh chóng và tập trung vào phát triển kinh tế. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng hy vọng hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Trump sẽ diễn ra trong tương lai gần”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Về phía Mỹ, ngay trong ngày 19/9, Tổng thống Trump đã lên tiếng đánh giá cao cuộc gặp song phương lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng Tổng thống Trump chưa đưa ra bình luận chính thức nào về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 19/9 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận ông đã mời người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho gặp mặt tại New York trong tuần tới với mục tiêu đến năm 2021 hoàn tất chương trình phi hạt nhân.

Đến ngày 20/9, khi nhận câu hỏi của phóng viên về điều kiện của Triều Tiên rằng nếu Mỹ có “biện pháp tương xứng” thì Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert trả lời "lập trường của Mỹ không hề thay đổi" và "phi hạt nhân phải xảy ra trước"

Chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) – ông Jeong Seong-jang cho rằng Mỹ và Triều Tiên vẫn chia rẽ về vấn đề phi hạt nhân. Do vậy, ông Jeong Seong-jang nhận xét đối thoại 3 bên với Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên cần được tổ chức để bàn luận về bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, chuyên gia Harry Kazianis tại Washington lại nghiêng về giải pháp Mỹ chấp thuận phương pháp từng bước của Triều Tiên trong quá trình kết thúc chương trình hạt nhân và từ đó các bên nới lỏng lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Truyền thông Triều Tiên kêu gọi tái thống nhất hai miền
Truyền thông Triều Tiên kêu gọi tái thống nhất hai miền

Truyền thông Triều Tiên ngày 21/9 đã có nhiều bài xã luận, nhận định tích cực về các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời kêu gọi xem đây là "bước ngoặt dẫn tới tái thống nhất" trên Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN