Số ca mắc đậu mùa khỉ có xu hướng giảm
Ngày 25/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo cho thấy số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu đã giảm 21% trong tuần trước, sau nhiều tháng ghi nhận xu hướng gia tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát tại châu Âu có thể đã bắt đầu suy giảm.
Vào tuần trước, WHO đã ghi nhận thêm 5.907 ca đậu mùa khỉ mới. Kể từ cuối tháng 4 đến nay, thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 45.000 ca mắc tại 98 quốc gia. Số ca mắc tại châu Mỹ chiếm 60% tổng số ca trong tháng trước, trong khi số ca nhiễm tại châu Âu chiếm khoảng 38%.
Các chuyên gia lạc quan rằng dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Mỹ, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn cũng đang giảm dần, phù hợp với xu hướng hiện nay ở châu Âu. Giới chức y tế nước Anh cũng nhận định đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ ở nước này đang chậm lại.
Tiến sĩ Gerardo Chowell tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học bang Georgia nhận định: “Rất có thể dịch đã đạt đỉnh vào tuần trước”. Mô hình đường cong dịch đậu mùa khỉ của Tiến sĩ Chowell dự báo số ca mắc mới ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 4 tuần tới. Ông nhấn mạnh tốc độ giảm này không đủ mạnh để dập tắt sự lây lan dịch bệnh, nhưng sẽ đưa số ca mắc mới xuống mức rất thấp.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay mặc dù có dấu hiệu cho thấy dịch đậu mùa khỉ đang diễn biến chậm lại ở châu Âu - nơi từng chiếm 90% trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới, nhưng virus đang lây lan và gây lo ngại ở những nơi khác. Ông Tedros nói: “Cụ thể, ở Mỹ Latinh, nhận thức không đầy đủ về dịch bệnh, chưa đảm báo các biện pháp y tế công cộng kết hợp với việc thiếu tiếp cận vaccine có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa bùng phát của virus”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết lục địa này ghi nhận 219 ca mắc mới trong tuần qua, tăng 54%. Hầu hết là ở Nigeria và Congo.
Báo cáo mới nhất của WHO cũng chỉ ra rằng 98% ca nhiễm là ở nam giới và 96% là ở những người quan hệ đồng tính nam. Trong số các hình thức lây nhiễm, sinh hoạt tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất.
Tổ chức này cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu vaccine phòng đậu mùa khỉ trên toàn cầu. Đặc biệt, châu Phi – khu vực có nhiều ca tử vong nghi do bệnh đậu mùa khỉ nhất – chỉ có một lượng rất ít vaccine thử nghiệm. Các chuyên gia cho rằng cho đến khi nguồn cung tăng lên và có số liệu về hiệu quả của vaccine, chính phủ các nước nên ưu tiên vaccine cho nhóm dễ bị tổn thương.
Nhà dịch tễ học Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết nhiều người đã nâng cao ý thức phòng dịch hơn, qua đó làm giảm sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bà lo ngại rằng nhiều người sẽ trở nên chủ quan, lơ là phòng dịch sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine phòng đậu mùa khỉ.
Hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu, Trung Quốc
Hạn hán tồi tệ nhất 500 năm ở châu Âu đã gây ảnh hưởng đến gần 2/3 châu lục. Trong khi đó, đợt nắng nóng chưa từng thấy đã xảy ra ở Trung Quốc làm sông hồ cạn khô, mùa màng thất bát, gây cháy rừng và dẫn tới tình trạng thiếu điện.
Theo báo cáo mới nhất của Đài Quan sát Hạn hán Toàn cầu thuộc Liên minh châu Âu (EU), 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm đất bị giảm sút, 17% lục địa trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 8. Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn này là lượng mưa ít kết hợp với đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 5”, báo cáo nêu rõ.
Nhiều nước châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng bức và khô hạn kỷ lục. Trong đó miền bắc Italy đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua. Nước Pháp cũng hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất lịch sử. Nhiệt độ tăng cao khiến lượng nước trong ao hồ bốc hơi nhiều hơn, mực nước sông giảm xuống, trong lúc nhu cầu tưới tiêu tăng lên trước vụ mùa sắp tới. Quốc gia này cũng bị tàn phá bởi những trận cháy rừng diện rộng và lòng sông Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua.
Mực nước sông Rhine ở Đức đã giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động giao thương thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn. Ở Serbia, chính quyền đã phải nạo vét sông để giữ cho các tuyến đường sông được khai thông.
Báo cáo cho biết đợt hạn hán này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng. EU dự báo sản lượng ngô, ngũ cốc sẽ giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hoa hướng dương giảm 12% so với mức trung bình của 5 năm trước đó. Các dòng sông khô cạn cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng vốn đang gặp khủng hoảng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, với sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.
Theo phân tích do Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) công bố ngày 25/8, đợt nắng nóng kỷ lục quét qua châu Âu năm nay sẽ trở thành xu hướng quy chuẩn của mùa hè đến năm 2035, ngay cả khi tất cả các quốc gia đều cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cùng với châu Âu, một nửa diện tích lãnh thổ của Trung Quốc cũng đang chịu hán hán. Đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết miền nam nước này đã ghi nhận khoảng thời gian nhiệt độ cao liên tục dài nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi lại cách đây 60 năm.
Các vùng đất phía nam Trung Quốc, bao gồm Cao nguyên Tây Tạng, đang trải qua điều kiện hạn hán từ nghiêm trọng đến bất thường. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 370 triệu dân và có một số trung tâm sản xuất, bao gồm siêu đô thị Trùng Khánh. Trùng Khánh đã trải qua đợt nắng nóng dai dẳng khắc nghiệt nhất kể từ năm 1961 đến nay.
Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng gạo, lúa mì và ngô mà nước này tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp cảnh báo rằng đợt nắng nóng và hạn hán chưa từng có sẽ đe dọa vụ thu hoạch vào mùa thu, gây thêm áp lực đối đến nguồn cung toàn cầu - vốn đã bị ảnh hưởng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nhà sử học khí hậu Maximiliano Herrera nhận định: “Đợt nắng nóng hiện nay ở Trung Quốc vượt qua bất cứ điều gì từng thấy trước đây trên toàn thế giới”.