Ông Yoshihide Suga trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản
Việc chuyển giao quyền lãnh đạo diễn ra vào thời điểm khó khăn khi Nhật Bản vẫn còn vật lộn với dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và kéo theo nền kinh tế suy giảm ở mức trầm trọng nhất trong lịch sử.
Ngày 16/9, ông Yoshihide Suga (71 tuổi) chính thức được các thành viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) lựa chọn để thay thế ông Shinzo Abe, người cuối tháng 8 đã từ chức thủ tướng Nhật Bản vì lý do sức khỏe.
Cùng ngày, ông Suga đã công bố thành phần nội các mới, giữ tại nhiệm 8 vị trí trong nội các của người tiềm nhiệm, trong đó có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama.
Ngày 18/9, nội các Nhật Bản thông qua danh sách các thứ trưởng cấp cao và quốc vụ khanh ở các bộ, ngành trong chính quyền của tân Thủ tướng Suga. Cụ thể, có 25 nghị sỹ được bổ nhiệm làm thứ trưởng cấp cao và 27 nghị sỹ được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh.
Là người phát ngôn và là phụ tá thân cận nhất của ông Abe khi còn đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Suga nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của người tiền nhiệm.
Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Shinzo Abe, hồi sinh nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu thời điểm hiện tại là ứng phó với dịch COVID-19. Ông Suga nhấn mạnh trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan, nội các của ông phải kế thừa và thúc đẩy các nỗ lực mà ông Abe đã thực hiện để người dân có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Liên quan tới chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ rộng mở và ổn định với các quốc gia khác dựa trên trụ cột là quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Theo ông, quan hệ giữa các quốc gia muốn trở nên mật thiết hơn phải dựa trên mối quan hệ cá nhân tin cậy giữa các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Suga cũng cho rằng việc theo kịp các thành tựu của Thủ tướng Abe trong việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân tin cậy với các nhà lãnh đạo của nhiều nước sẽ rất khó khăn.
Về phần mình, theo đài KBS World, cựu Thủ tướng Abe đã bày tỏ ý định hỗ trợ nội các mới của Nhật Bản, có thể dưới vai trò đặc phái viên ngoại giao. Ông Abe nói rằng ông có thể tận dụng mối quan hệ cá nhân và tình bạn mật thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo nhà nước khác. Ông Abe hy vọng tân Thủ tướng Suga sẽ đạt được tiến bộ trong tranh chấp lãnh thổ với Nga và vấn đề những người Nhật Bản bị bắt cóc ở Triều Tiên.
Thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain
Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump và trên 200 quan khách tại Nhà Trắng, ngày 15/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các ngoại trưởng của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã ký thỏa thuận hòa bình được viết bằng 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Do Thái và tiếng Arab - đánh dấu một sự thay đổi địa chính trị lớn ở Trung Đông và trao cho Tổng thống Trump vai trò sứ giả hòa bình khi ông bước vào chiến dịch tái tranh cử mùa thu.
Các thỏa thuận trên đã khiến UAE và Bahrain trở thành quốc gia Arab thứ 3 và thứ 4 thực hiện các bước để bình thường hóa quan hệ kể từ khi Israel ký các hiệp ước hòa bình với Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994.
Thủ tướng Netanyahu gọi các thỏa thuận này là "bước ngoặt của lịch sử", dự báo đem đến "bình minh mới cho nền hòa bình”. Các bộ trưởng ngoại giao của Bahrain và UAE cũng dành nhiều lời khen ngợi cho các hiệp ước.
Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani bày tỏ: “Đã từ rất lâu Trung Đông luôn bị xung đột và sự ngờ vực kìm hãm, gây ra nhiều hậu quả tàn phá và cản trở tiềm năng của các thế hệ. Bây giờ, chúng ta có cơ hội để thay đổi điều đó”.
Lễ ký kết nêu bật mong muốn tái tổ chức ở Trung Đông, khi giờ đây các quốc gia Arab muốn củng cố mối quan hệ với Israel. Điều này cũng cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Netanyahu. Cả hai nhà lãnh đạo đều luôn tìm cách hỗ trợ và ủng hộ nhau vào những thời điểm quan trọng trong các chiến dịch chính trị.
Hai nhà lãnh đạo Netanyahu và Trump dự đoán rằng các quốc gia Arab khác sẽ sớm tiếp bước Bahrain và UAE trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo các thỏa thuận, Israel, UAE và Bahrain sẽ thành lập đại sứ quán, trao đổi đại sứ và hợp tác trong nhiều vấn đề, bao gồm lĩnh vực thương mại, chăm sóc y tế và an ninh.
Nằm trong một phần của thỏa thuận với UAE, Israel nhất trí tạm thời dừng kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây gây tranh cãi. Thay vào đó, Israel sẽ tập trung nỗ lực vào việc mở rộng quan hệ với các nước khác trong thế giới Arab và Hồi giáo. Trước đó, vào hồi tháng 8, Israel và UAE đã nối lại chuyến bay thương mại trực tiếp.
Các thỏa thuận hòa bình nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Ngày 15/9, ông Nabil Abu Rudeineh - người phát ngôn của Tổng thống Palestine - cho biết Palestine phủ nhận tính hợp pháp của kỳ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Ông Abu Rudeineh nói: "Bất kỳ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nào với Israel mà không góp phần giải quyết sự nghiệp của nhân dân Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng đều bị bác bỏ và sẽ thất bại".
Lo ngại các bản thỏa thuận được ký kết bỏ qua các quyền lợi của người Palestine trong tổng thể tiến trình hòa bình tại Trung Đông, giới quan sát ở Vùng Vịnh vẫn đang rất thận trọng đánh giá những tác động của ván cờ mới giữa Israel và các nước Arab.