Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: TTXVN phát |
Một tuần, bốn cuộc gặp thượng đỉnhNổi bật trong tuần là lần gặp mặt đầu tiên của nhà lãnh đạo hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc sau 65 năm Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Sáng 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bước qua vạch phân chia biên giới tại làng đình chiến Panmunjom nằm trong Khu phi quân sự (DMZ), có cái bắt tay lịch sử với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in và bắt đầu đối thoại.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại Ngôi nhà Hòa bình nằm trong khu vực DMZ lãnh thổ Hàn Quốc. Phiên họp kín giữa hai phái đoàn: phía Triều Tiên có nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, bà Kim Yo-jong – em gái ông Kim Jong-un; phía Hàn Quốc có Tổng thống Moon Jae-in, Giám đốc tình báo quốc gia Suh Hoon, Thư ký Tổng thống Im Jong-suk.
Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên còn tham gia hoạt động trồng cây chung, với thông điệp “hòa bình và thịnh vượng” gửi gắm trong cây thông 65 năm tuổi cũng như đã có cuộc trò chuyện riêng kéo dài 30 phút, không có bất kỳ ai bên cạnh.
Sau hai phiên họp sáng và chiều, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều lần thứ 3 đã kết thúc với việc Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký "Tuyên bố chung Panmunjom, về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên", trong đó khẳng định các cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền...
Phản ứng trước kết quả Hội nghị liên Triều, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng cuộc gặp liên Triều sẽ mang đến tiến bộ về hòa bình và thịnh vượng cho toàn Bán đảo Triều Tiên. Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đánh giá cao "giây phút lịch sử" giữa hai miền Triều Tiên, cho rằng đó là "tin tức rất tích cực".
Bên cạnh cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, trong hai ngày 27-28/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố miền trung Vũ Hán. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Ấn Độ và Trung Quốc, một cách riêng biệt, đã đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu thông qua sự tăng trưởng và phát triển kinh tế và sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Hội nghị thượng đỉnh “không chính thức” lần này được coi là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước sau màn đối đầu quân sự căng thẳng vào mùa hè năm ngoái tại khu vực biên giới tranh chấp ngã ba Ấn-Trung-Bhutan.
Cùng ngày 27/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có chuyến thăm Nhà Trắng và lần gặp thứ 2 với Tổng thống Donald Trump. Tại cuộc họp báo chung, hai vị lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan hệ thân cận Mỹ-Đức, song họ vẫn bộc lộ nhiều quan điểm khác biệt về thương mại.
Đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có chuyến công du cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Mỹ gặp người đồng cấp Donald Trump. Mặc dù hai nhà lãnh đạo thể hiện vẫn giữ vững mối quan hệ, đề cao tình bạn Pháp-Mỹ, vai trò hợp tác của Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ “trật tự quốc tế”, song hai bên vẫn không giấu nổi những bất đồng trên nhiều vấn đề như khí hậu, thương mại, an ninh, hạt nhân Iran…
Hội nghị Cấp cao ASEANThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Sáng 28/4, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 đã chính thức khai mạc tại Singapore. Tiếp sau đó, lãnh đạo các nước ASEAN, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã tham dự Phiên họp hẹp do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì.
Tại sự kiện này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chia sẻ về chủ đề hợp tác ASEAN 2018, hướng tới xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo.
Lãnh đạo các nước bày tỏ ủng hộ chủ đề của ASEAN 2018, nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần tự cường và tính sáng tạo của ASEAN. Các nhà lãnh đạo cho rằng đây sẽ là chỗ dựa vững chắc để Hiệp hội tiếp tục tiến lên trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế biến chuyển nhanh chóng, phức tạp cùng với những cơ hội mới đang được mở với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Về Biển Đông, các lãnh đạo nhấn mạnh cần đề cao tinh thần tự cường, duy trì lập trường và nguyên tắc về Biển Đông, trong đó cần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, tự kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sơ tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).