Khai mạc Diễn đàn Davos 2018Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa) tham dự với tư cách diễn giả chính tại Phiên thảo luận về Triển vọng chiến lược ASEAN, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: Hoàng Hoa/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ |
Ngày 23/1, Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos) đã khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Davos, Thụy Sĩ.
Diễn đàn Davos 2018 có chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, với sự kêu gọi của đông đảo các nhà lãnh đạo và tập đoàn hàng đầu thế giới biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố và chủ nghĩa bảo hộ.
Diễn đàn Davos năm nay đã có nhiều phát biểu đáng chú ý. Ngày 26/1, phát biểu bế mạc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến với nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ, đồng thời kêu gọi đầu tư vào nước Mỹ. "Ngày hôm nay tôi ở đây chỉ để chuyển tải một thông điệp đơn giản: Không có thời điểm nào thích hợp và tuyệt vời hơn lúc này để thuê người Mỹ, đầu tư vào nước Mỹ và phát triển ở Mỹ. Nước Mỹ giờ mở cửa với doanh nghiệp và đang cạnh tranh trở lại", Tổng thống Mỹ phát biểu.
Ngày 25/1, trong bài phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp Anh bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã mạnh mẽ kêu gọi lựa chọn giải pháp Brexit "mềm", theo đó là làm sao để có "những thay đổi ít nhất" trong quan hệ Anh với Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ nền kinh tế Anh.
Trong bài phát biểu tại Davos ngày 24/1, Tổng thống Pháp Emmnual Macron đã tuyên bố rằng "Pháp trở lại là nhân tố cốt lõi của châu Âu", qua đó khẳng định vai trò lớn của Pháp trong lòng châu Âu. Cũng trong bài phát biều này, Tổng thống Macron hối thúc sự hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn "tối ưu hóa thuế không hạn chế".
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoan nghênh việc 11 quốc gia đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm ký kết thoả thuận này. Ông Trudeau nhấn mạnh các nước tham gia TPP "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa", đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động của Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới. Phát biểu khai mạc tiệc tối ASEAN ngày 23/1 với chủ đề “ASEAN: Thịnh vượng trong biến chuyển dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ASEAN có thị trường đủ lớn cho các mô hình kinh doanh mới, có cơ hội phát triển nhanh hơn bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về phát hiện nhu cầu để tạo lợi thế phát triển.
Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: UPI/Yonhap/TTXVN |
Ngày 23/1, Quốc hội Mỹ đã thông qua biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho đến ngày 8/2 tới. Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã ký ban hành luật chi tiêu tạm thời, chấm dứt 3 ngày chính phủ ngừng hoạt động.
Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall tràn ngập sắc xanh với các chỉ số chủ chốt đồng loạt lập kỷ lục mới.
Ngày 24/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một thỏa thuận về việc bảo vệ quyền công dân của nhóm những người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ trong 10-12 năm tới, còn gọi là thế hệ "Dreamer".
Trả lời báo giới, Tổng thống Trump khẳng định đây là mục tiêu mà các bên sẽ sớm đạt được. Dù không cung cấp chi tiết về thỏa thuận trên, phát biểu của ông Trump báo hiệu bước ngoặt trong cuộc đối đầu giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho hơn 700.000 người nhập cư trẻ tuổi tại Mỹ, tránh cho việc nhóm đối tượng này đối mặt với nguy cơ trục xuất khỏi Mỹ sau khi chương trình Hành động Trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) hết hạn vào tháng 3 tới.
Trước đó, hôm 20/1, Chính phủ Mỹ bị đóng cửa do các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội không thể nhất trí về một dự luật chi tiêu tạm thời do chưa tìm được tiếng nói chung cho một dự luật cuối cùng liên quan đến số phận của DACA.
Ngân sách liên bang Mỹ hết hiệu lực từ nửa đêm 19/1 giờ địa phương (trưa 20/1 theo giờ Việt Nam) và đã không thể gia hạn do những bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ xung quanh vấn đề nhập cư.