Thế giới tuần qua: Dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới; Tổng thống Nga họp báo cuối năm

Trong tuần qua, diễn biến về dịch COVID-19 và cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin là những vấn đề thế giới được dư luận quan tâm.

Dịch COVID-19 nhiều diễn biến

Chú thích ảnh
Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố 9,6 triệu người dân nước này đã hồi phục khỏi COVID-19. Ảnh: Reuters

Tiếp tục có nhiều thông tin tích cực về những loại vaccine phòng COVID-19 được thử nghiệm và thông qua sử dụng khẩn cấp, đồng thời cũng xuất hiện tin đáng quan ngại về các làn sóng dịch thứ hai tại một số quốc gia.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin ngày 18/12, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 do công ty Moderna sản xuất. Trước đó một tuần, FDA đã cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 do công ty dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech SE phối hợp sản xuất.

Hàng nghìn nhân viên y tế Mỹ đã được tiêm vaccine của Pfizer và BioNTech trong tuần qua. Dự kiến đến cuối năm nay, Mỹ sẽ nhận 40 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna. Số vaccine này đủ để tiêm cho 20 triệu người bởi đều yêu cầu phải tiêm 2 lần. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 21/12 và ông nhận định: “Những ngày tươi đẹp đang ở trước mặt”.

Tại các nước khác, Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 18/12 cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với công ty Pfizer và AstraZeneca cung cấp 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ nhập 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer vào tháng 1/2021.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng nhận quà Giáng Sinh ở Milan, Italy. Ảnh: Reuters

Tây Ban Nha bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 27/12. Tương tự, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói rằng liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ đến nước này vào 26/12. Thông báo của Tây Ban Nha và Hy Lạp được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết châu Âu dự kiến tiêm vaccine phòng COVID-19 từ 27-29/12.

Một diễn biến đáng lưu ý nữa là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mắc COVID-19, khiến hàng loạt lãnh đạo châu Âu phải cách ly.

Tuần qua tại châu Âu, nhiều quốc gia quyết định ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Ví dụ như Áo sẽ bước vào giai đoạn phong tỏa thứ ba từ 26/12 đến 24/1/2021. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tuyên bố “tình hình tiếp tục diễn biến nguy hiểm” do vậy chính phủ nước này quyết định thắt chặt hạn chế trên toàn quốc liên quan đến dịch COVID-19, yêu cầu người dân làm việc từ nhà và giảm số lượng người tập trung ở các nhà hàng, trung tâm thể thao, cửa hiệu từ 24/12.

Ở châu Á, tính tới 19/12, Ấn Độ đã ghi nhận trên 10 triệu trường hợp mắc COVID-19, cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một đội các chuyên gia quốc tế chịu trách nhiệm điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 đến Trung Quốc vào tuần đầu tháng 1/2021 sẽ không bị giám sát bởi các quan chức Trung Quốc. Đội ngũ chuyên gia này sẽ tuân thủ các biện pháp giảm thiểu rủi ro theo quy định của Trung Quốc và đến một số địa điểm nghi ngờ là nơi bùng phát dịch ở Vũ Hán.

Tổng thống Putin họp báo cuối năm

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 17/12 đã tổ chức họp báo thường niên cuối năm. Nhà lãnh đạo 68 tuổi nhận và trả lời câu hỏi từ các nhà báo, công dân Nga về nhiều vấn đề được quan tâm như dịch COVID-19, kinh tế, quan hệ đối ngoại…

Buổi họp báo năm nay đã giảm quy mô so với những năm trước vì dịch COVID-19. Các nhà báo khi đến tham dự sự kiện phải đeo khẩu trang và găng tay, trong khi nhiều người khác tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Trong lần họp báo này, Tổng thống Putin nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quan hệ Mỹ-Nga. Ông bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tạo cơ hội để Moskva hàn gắn quan hệ với Washington. Tổng thống Putin nhận xét về cựu Phó Tổng thống Biden: “Ông ấy là một người nhiều kinh nghiệm. Tôi mong rằng tất cả mọi vất đề, nếu không thể thì ít nhất là một vấn đề, sẽ được giải quyết nhờ chính quyền mới”.

Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa bác bỏ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ngoài ra, ông còn cáo buộc Mỹ chạy đua vũ trang. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (START Mới) dự kiến hết hạn vào tháng 2/2020 và Tổng thống Putin đã đề nghị kéo dài thêm một năm thỏa thuận này.

Chiếm nhiều thời lượng trong cuộc họp năm nay là câu hỏi liên quan đến dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo Nga nói: “Tôi có thể tự tin khẳng định chúng ta đã xử lý những vấn đề này một cách đáng được coi trọng, có lẽ còn tốt hơn nhiều quốc gia khác”.

Nga đã khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 Sputnik V do nước này sản xuất. Tổng thống Putin nói rằng ông cũng đang đợi đến lượt để tiêm loại vaccine này. Ông chia sẻ: “Tôi chắc chắn sẽ tiêm sớm nhất có thể”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Canada chưa tiết lộ mức giá mua vaccine phòng COVID-19
Canada chưa tiết lộ mức giá mua vaccine phòng COVID-19

Văn phòng Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Canada cho biết sẽ chưa chia sẻ mức giá mà Chính phủ Canada trả cho mỗi liều vaccine phòng COVID-19 sau khi bảng giá vaccine của Liên minh châu Âu (EU) đã vô tình bị rò rỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN