Nấc thang căng thẳng mới giữa Mỹ-Iran
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày 20/6 đã leo lên một nấc thang mới sau khi Tehran tuyên bố bắn hạ một máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ và khẳng định rằng chiếc máy bay này đã xâm phạm không phận của Iran. Trong bức thư gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đại sứ Iran thông báo máy bay Mỹ bị bắn rơi tại eo biển Hormuz còn bật chế độ tàng hình, “tắt thiết bị nhận dạng và rõ ràng là đang tham gia vào hoạt động do thám". Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc trên và cho biết chiếc máy bay trinh sát thực tế bị bắn hạ trong không phận quốc tế.
Ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua quyết định tấn công quân sự nhằm vào một số mục tiêu của Iran, như radar và các khẩu đội tên lửa để trả đũa hành động bắn hạ máy bay, nhưng đã rút lại quyết định vào phút chót. Nhà lãnh đạo Mỹ ngay sau đó tuyên bố dừng chiến dịch vốn đã được triển khai ở giai đoạn đầu. Một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định các máy bay trên không và tàu chiến đã vào vị trí, nhưng chưa có tên lửa nào được phóng đi khi tuyên bố tấn công được rút lại.
Chia sẻ trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump viết: "10 phút trước khi diễn ra cuộc không kích, tôi đã ra lệnh dừng lại, vì không cân xứng với vụ bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ". Giới chức Iran cho biết Tehran đã nhận được một thông điệp từ Tổng thống Trump cảnh báo sắp xảy ra một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Iran, song nói rằng ông phản đối chiến tranh và muốn đàm phán về một loạt vấn đề.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Trump dường như không muốn căng thẳng với Iran leo thang tới đỉnh điểm sau vụ việc bắn hạ máy bay. Trong một tuyên bố với báo giới sau khi xảy ra sự vụ, nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ có thể “một vị tướng hoặc một ai đó đã mắc sai lầm khi bắn hạ máy bay” và “rất khó để tin hành động đó là cố ý”.
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm vào năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân do Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015 đồng thời ông Trump cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt vào Tehran.
Hai ngày đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc tại Triều Tiên
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/6 đã rời thủ đô Bình Nhưỡng sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tới Triều Tiên.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ca ngợi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "cơ hội quan trọng" để hai nước tự hào về tình hữu nghị lâu đời và "không thể thay đổi" với thế giới.
Trưa 20/6, máy bay chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã đến sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được chào đón nồng nhiệt khi lần đầu đến thăm Triều Tiên trên cương vị chủ tịch Trung Quốc. Biển người hai bên đường, màn trình diễn nghệ thuật quy mô, pháo hoa ngợp trời... đã làm chuyến thăm 2 ngày trở nên đặc biệt.
Trong cuộc hội đàm ngày 20/6, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí củng cố quan hệ song phương vì hòa bình và ổn định khu vực. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh về "giải pháp chính trị" cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời cam kết đóng vai trò "tích cực và xây dựng" trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm được cho là có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ hai nước cũng như tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bởi đây không chỉ là chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên, mà còn là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc tới quốc gia láng giềng Đông Bắc Á trong vòng 14 năm qua. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bốn lần đến Bắc Kinh từ khi Triều Tiên bắt đầu đối thoại trực tiếp với Mỹ về giải trừ hạt nhân. Điều này khẳng định Trung Quốc là một tác nhân không thể thiếu trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Khi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc từ sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un ở Hà Nội, Trung Quốc lại càng muốn chứng tỏ vai trò tác nhân giữ ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như có khả năng làm trung gian hòa giải.